Giáo xứ Bình An được hình thành vào năm 1961, khi Cha Trần Chính Cư giới thiệu khoảng 40 gia đình công giáo di cư, gốc Quảng Ninh (Móng cái, Trà Cổ, Đầm Hà) từ Phan Rí về lập nghiệp tại khu rừng dọc theo liên tỉnh lộ 23, nay là đường 709. Sau này, nhiều gia đình từ các Giáo xứ Tân Lập, Tân Lý, Hiệp Nghĩa, đặc biệt là năm 1970, hơn 200 gia đình, trong cũng như ngoài đạo từ Campuchia đến định cư.
Từ khi hình thành cho đến khi thành lập Giáo xứ (năm 1961 với vỏn vẹn 350 giáo dân) cho đến 1969 giáo dân liên tục được các Linh mục láng giềng phục vụ:
- Cha Moussay, Hội Thừa Sai Paris 1961 - 1963
- Cha Vũ Đình Hoạt 1963
- Cha Delsuc, Hội Thừa Sai Paris 1963 - 1964
- Cha Nguyễn Văn Hảo 1964
- Cha Cao Vĩnh Phan 1964 - 1968
- Cha Hoàng Thái An 1968 - 1969
Năm 1969, Giáo xứ được thành lập
- Cha Giuse Nguyễn Quốc Công 1969 - 1974 (là quản xứ tiên khởi)
- Cha Phanxicô Assisi Nguyễn Cao Cầu 1974 - 1975
- Cha Giacôbê Lê Đức Trung 1975 - 1994
- Cha Đaminh Cẩm. Nguyễn Đình Cẩm 1994 - 2002
- Cha Phêrô Hồ Văn Hưởng (quản nhiệm) 2002 - 2003
- Cha Phêrô Nguyễn Hữu Duy 2003 - 2007
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang 2007 - 2013
- Cha Augustinô Nguyễn Văn Lạc 2013 - 2015
- Cha Anrê Lương Vĩnh Phú 2015 - nay.
Về cơ sở vật chất, Cha Moussay và giáo dân đã dựng được một ngôi nhà nguyện nho nhỏ. Năm 1965, Cha Cao Vĩnh Phan động viên giáo dân xây dựng một nhà nguyện kiên cố (26m x 9m) vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Từ năm 1969, Cha Nguyễn Quốc Công đã xây dựng một Ký nhi viện khang trang, phục vụ con em ở địa phương, không phân biệt tôn giáo. Từ 1989, Cha Lê Đức Trung đã xây nhà xứ, có lầu, phòng ăn, hai phòng giáo lý, một tháp chuông, tượng đài Đức Mẹ mặc quốc phục, gọi là Mẹ Bình An. Cha Nguyễn Đình Cẩm nới rộng nhà xứ, xây bức tường thành với chu vi gần 700 m2, phục hồi Ký nhi viện đã sụp đổ theo thời gian do Cha Nguyễn Quốc Công để lại, làm thành 04 lớp mẫu giáo.
Về đời sống đạo, vì lâu ngày không có Cha xứ hiện diện thường xuyên, đặc biệt đối với bà con Việt Kiều Campuchia, hiếm khi được gặp linh mục tại Campuchia, nên tình trạng “rối” gây khá nhiều xáo trộn, và còn vương vấn cho đến bây giờ.
Giáo dân không ngừng tăng do nhiều bà con từ Lagi về phá hoang sinh sống, từ bên kia sông Bến Hải vào lập nghiệp. Hiện nay, số giáo dân là 1814 người trên 3900 dân số. Năm 1994 đến nay, Cha Nguyễn Đình Cẩm kế thừa mục vụ của Cha Lê Đức Trung, với sự giúp đỡ của Hội Đồng Mục Vụ gồm 24 người. Giáo xứ cũng đã cống hiến cho Giáo Hội 02 Nữ tu (Dòng MTG. Phan Thiết, Dòng Phaolô thành Chartes). Dù còn nhiều khó khăn, các Gia Trưởng, các Bà Mẹ Công Giáo, Lêgiô Marie, Thanh thiếu niên, Têrêxa luôn phục vụ bà con, không phân biệt tín ngưỡng. Nhờ sự hòa đồng này khiến có trên 100 người xin nhập đạo, đa số để lập gia đình.
Về công tác xã hội, giáo dân đã là nòng cốt trong việc xây đắp gần 2000m đường chỉ có đổ sỏi trên đất cát khô cằn, nhưng chừng đó thấm vào đâu. Giáo xứ đặc biệt quan tâm đến các trường hợp neo đơn, tuổi tác, bệnh hoạn, cháy nhà, lụt lội. Riêng về văn hóa, dù đã có nhiều nỗ lực mở lớp tình thương, giúp tìm kiếm học bổng… trình độ giáo dân vẫn ở mức tiểu học.
Tương lai còn đòi hỏi nhiều phấn đấu: về kinh tế, Bình An thuộc vùng nông nghiệp, mà lại nơi cát trắng bạc màu, thủy lợi là nước trời, thế mà mưa đến lại có những vùng đất bị úng. Ngăn đập điều hòa nước là cấp bách, nhưng còn nhiều ý kiến và quyền lợi cá nhân đối chọi nhau. Ước mong khi thủy lợi và điện gia dụng được giải quyết, tương lai sẽ sáng sủa hơn. Về văn hóa còn phải cố gắng nhiều. Còn nữa, giáo dân ai cũng ước mong có một Thánh đường mới để thay thế Nhà nguyện cũ từ năm 1965 đang có nguy cơ sập đổ. Giáo xứ đang ráo riết động viên những giáo dân có chút vốn học vấn và tinh thần tông đồ tham gia công tác truyền giáo, bằng đời sống cá nhân và đoàn thể, để làm chứng cho Tin Mừng.