Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 11.2016

Bài 3

ĐẶC TÍNH QUY KITÔ TRONG HUẤN GIÁO


1.     “Qui Kitô” là gì?

-         “Qui Kitô” là một thuật ngữ có tính chuyên môn, được sử dụng cách đặc biệt  trong lãnh vực huấn giáo, nhằm chỉ ra một nguyên tắc quan trọng là: trong việc dạy giáo lý, ta phải để Chúa Giêsu Kitô ở vị trí trung tâm, như tâm điểm của một vòng tròn. Mọi yếu tố yếu tố khác, (từ nội dung, phương pháp đến mục đích) phải qui chiếu và hướng về Người.

-         Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ: "Ở trung tâm của việc dạy giáo lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Đức Giêsu Kitô Nazareth, Con Một của Chúa Cha … Người đã chịu khổ hình và chịu chết vì chúng ta; và Người, từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta…”

-         “Dạy giáo lý là giúp người ta nhận ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là tìm hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của đức Kitô, và các dấu lạ người đã thực hiện, [nhằm] dẫn đưa con người đến hiệp thông với chúa Giêsu Kitô” (GLHTCG, 1992, 426).


2.     Tại sao phải qui về Chúa Kitô?

-         Vì chỉ một mình Người mới dẫn ta đến tình yêu Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và cho ta thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh" (GLHTCG, 426).

-         Chính Chúa Giêsu đã phán: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga.6,40). 


-         Ngoài Chúa Giêsu, không ai có thể mang lại cho con người ơn cứu độ  (CV. 4,12). Và, vì như Thánh Gioan quả quyết: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga.20:30-31).


3.      Vì vậy, cần ghi nhớ:

- “Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô, là Ngôi Lời Nhập Thể và là Con Thiên Chúa” (GLHTCG, 427). Về điểm này, giáo lý viên cần cố gắng chỉ cho các em biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Đây là việc làm rất quan trọng. Đồng thời, giúp các em tin yêu Người, bằng việc khuyến khích các em năng tìm hiểu Chúa trong Thánh Kinh, gặp gỡ Chúa qua việc cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, cố gắng sống theo lời Chúa dạy, và siêng năng cầu nguyện.

 - “Trong việc dạy giáo lý […] chỉ một mình Đức Ki-tô giảng dạy, còn bất cứ ai khác giảng dạy đều phải là phát ngôn viên của Người, phải để Đức Ki-tô nói qua miệng lưỡi họ... mọi giáo lý viên đều phải có thể áp dụng cho mình lời nói huyền nhiệm này của Đức Giê-su : ‘Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi’"(GLHTCH, 426).

 - “Người nào được mời gọi "giảng dạy về Đức Ki-tô" trước hết phải tìm "mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô"; phải "mất hết ... để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người" (GLHTCG, 428). Thực tế cho thấy tham gia vào việc dạy giáo lý đòi hỏi giáo lý viên phải có những hy sinh nhất định, nhiều khi rất lớn lao. Nhưng vì lòng yêu mến Đức Kitô và phần rỗi các linh hồn, chúng ta hãy tích cực quảng đại tham gia với Mẹ Hội Thánh trong sứ vụ cao cả và rất quan trọng này.

Mong mỗi giáo lý viên chúng ta có tâm tình như Thánh Phaolô: “Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng” (Pl 1,18).  


 Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 10.2016

Bài 2

Mục đích và mối liên hệ giữa các sách giáo lý

1.    Mục đích: 

-  Sách Giáo lý được ban hành cốt để thực thi sứ mạng của Hội Thánh.

-  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “KHO TÀNG ĐỨC TIN đã được Chúa trao ban cho Hội Thánh Ngài gìn giữ, và Hội Thánh vẫn không ngừng chu toàn nhiệm vụ đó” (GLHTCG, trg.11).

-  Bằng việc ban hành sách Giáo lý, một cách chính yếu, Hội Thánh có ý:
·   Trình bày cách hệ thống, mạch lạc, chính xác và đầy đủ những nội dung căn bản và thiết yếu của đức tin Công Giáo;
·   Làm điểm qui chiếu vững chắc cho việc giảng dạy và biên soạn các sách Giáo lý địa phương;
·   Thúc đẩy mọi người tìm kiếm và tin nhận Chúa Kitô, trong sự hiệp thông với Hội Thánh của Người.

2.     Hội Thánh thi hành nhiệm vụ trên theo nhu cầu, hoặc hoàn cảnh đặc thù, của con người qua các thời đại.

Chẳng hạn:
-        Để gìn giữ KHO TÀNG ĐỨC TIN được tinh tuyền, Hội Thánh đã ban hành Sách Giáo Lý Roma (1566) nhằm giúp các tín hữu nắm vững và trung thành với đức tin chân thật (được nhận lãnh từ Chúa Kitô, được truyền lại bởi các Tông Đồ, và đang được gìn giữ trong Truyền Thống sống động của Hội Thánh), hầu giúp các tín hữu có thể tránh rơi vào phong trào Tin Lành, được Luther khởi xướng thời bấy giờ;

-        Khác hẳn bối cảnh của sách Giáo Lý Roma, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992) được ban hành trong một bầu khí thanh thản hơn, nhằm góp phần vào công cuộc canh tân toàn bộ đời sống của Hội Thánh trong thời đại mới, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II; 
-         Các sách Giáo lý khác:

·        Bản Toát Yếu Sách GLHTCG (2005): Là bản tóm của Sách GLHTCG, 1992, theo phong cách Hỏi-Thưa, nhằm giúp độc giả dễ nắm bắt, dễ nhớ, dễ trao đổi và học hỏi những gì là cốt lõi nhất của đức tin Kitô giáo.
·        YouCat (2011): Là sách Giáo lý được soạn cách đặc biệt cho giới trẻ, với sự đóng góp của một số người trẻ, theo sát nội dung của sách GLHTCG, 1992 và hình thức Hỏi-Thưa của Bản Toát Yếu Sách GLHTCG, nhưng bằng một hình thức sống động và trẻ trung, thích hợp với tuổi trẻ hơn.
·        DoCat (2016): Là sách Giáo lý mới nhất hiện nay (cũng bằng cách Hỏi-Thưa) trình bày cho giới trẻ nội dung học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo, nhằm cung cấp cho họ một sự hướng dẫn cần thiết để đào luyện lương tâm theo đòi hỏi của Tin Mừng và hành động như những người Công giáo, trước những vấn đề chính trị và xã hội phức tạp hiện nay.

3.     Mối Liên Hệ: 
Tuy có nhiều sách giáo lý nhưng chỉ trình bày một đức tin duy nhất.

- “Đức tin luôn luôn là một” (GLGTCG, trg. 14). Trọng tâm của đức tin Kitô giáo chính là Đức Giêsu Kitô, mà “Đức Giê-su Kitô [thì] vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt. 3:8).
- Dù không bao giờ thay đổi, đức tin đồng thời lại là nguồn mạch của những ánh sáng mới. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh không ngừng lấy ánh sáng của đức tin soi sáng những vấn đề chưa được đặt ra trong quá khứ, chẳng hạn như các vần đề xã hội, chiến tranh, khoa học, toàn cầu hóa, v.v.
- Không có sự mâu thuẫn giữa các sách Giáo lý nói trên. Chúng được tiếp nối và bổ túc cho nhau. Được ban hành bởi Hội Thánh, nhưng Giáo lý Hội Thánh giảng dạy không đến từ con người, mà đến từ Tin Mừng, từ Đức Giêsu Kitô.

Tùy theo nhu cầu và điều kiện riêng của mình mà các bạn có thể sử dụng sách Giáo lý nào cho phù hợp; dĩ nhiên, sách GLHTCG 1992  phải là “bản văn qui chiếu” của mọi sách Giáo lý khác hiện nay.
                                                                                                 
                                                                                                                                                             
Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú


Ghi chú: Bài viết này được dựa trên Tông Hiến Kho Tàng Đức Tin, trong Sách GLHTCG, 1992.

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 9.2016


Bài 1

VAI TRÒ MỤC VỤ GIÁO LÝ
TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA HỘI THÁNH

1.   Mục vụ giáo lý đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh.
            -  Chính Hội Thánh đã thừa nhận: “Những thời kỳ Hội Thánh được canh tân cũng là những thời kỳ mạnh mẽ về việc dạy giáo lý” (GLHTCG, 8).
            - Ta có thể nhận ra sự thật trên tại các giáo xứ. Giáo xứ nào có mục vụ giáo lý tốt, thì như một hệ quả, đời sống đạo của các tín hữu nơi giáo xứ đó có phần sống động, sâu sắc, vững vàng.
- Việc dạy giáo lý tác động cách tích cực đến đời sống đạo của các tín hữu, vì “dạy giáo lý là giáo dục đức tin […] nhằm dẫn đưa tín hữu đến cuộc sống Kitô hữu viên mãn” (GLHTCG, 5):
Nghĩa là, không chỉ để giúp người ta tin vào Chúa Kitô (Tuyên Xưng Đức Tin - Phần I - GLHTCG), việc dạy giáo lý còn dẫn đưa các tín hữu đến với các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, để gặp gỡ và hiệp thông với Người (Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo – Phần II - GLHTCG),đồng thời khuyến khích tín hữu diễn tả niềm tin của mình cách sống động qua việc thực hànhcác giới luật của Chúa, nhất là luật bái ái yêu thương (Đời Sống Trong Đức Kitô – Phần III - GLHTCG), và kết hợp liên lỉ với Người qua đời sống cầu nguyện (Kinh Nguyện Kitô Giáo – Phần IV - GLHTCG).

2.   Vì thế, Hội Thánh luôn dành cho tác vụ dạy giáo lý một sự quan tâm đặc biệt.
-          Ta có thể thấy sự quan tâm đặc biệt này qua các công đồng Triđentinô, Vaticanô II, và các văn kiện hậu công đồng.
-          Các văn kiện quan trọng (sau Công đồng Vaticanô II) liên quan trực tiếp đến giáo lý gồm:
·         Chỉ thị tổng quát về việc dạy giáo lý (1971),
·         Tông huấn Loan báo Tin mừng (1975),
·         Tông huấn Dạy giáo lý (1979) (X. GLHTCG, 10).
-       Nên ghi nhận:  Việc dạy giáo lý đã được thực hiện từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay, vì: “Từ rất sớm, thuật ngữ Dạy Giáo Lý đã được dùng để gọi toàn bộ các nỗ lực của Hội Thánh nhằm đào tạo các môn đệ, nhằm giúp người ta tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và nhờ tin như vậy mà được sống nhờ danh Người, nhằm giáo dục và huấn luyện họ trong cuộc sống đời này, và như vậy, xây dựng Thân Thể Đức Kitô” (GLHTCG, 4); nhưng mãi tới sau Công đồng Triđentinô (1545-1563), Hội Thánh mới cho ra đời cuốn sách giáo lý đầu tiên (trong đó, nội dung đức tin được sắp xếp một cách có tổ chức và hệ thống), được gọi là Sách Giáo Lý Rôma.
Tính đến nay, Hội Thánh Công Giáo đã ban hành những sách giáo lý sau:
·         Sách Giáo Lý Rôma (1566)
·         Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992),
·         Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (2005),
·         YouCat (Sách Giáo Lý cho người trẻ - 2011),
·         DoCat (Sách Giáo Lý cho người trẻ về học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo - 2016).

3.    Tham gia vào việc dạy giáo lý là tham gia vào sứ vụ quan trọng của Hội ThánhTiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô.
            -  Hãy quí trọng và yêu mến công việc giáo lý, vì: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin mừng” (Rm 10, 15);
            -  Hết lòng cộng tác và giúp đỡ Cha xứ trong mục vụ giáo lý;
            -  Siêng năng trau dồi kiến thức giáo lý, nhất là cố gắng uốn nắn đời sống mình sao cho phù hợp với lời mình giảng dạy.

Xin cám ơn và mến chào,
  
Hẹn gặp lại các bạn ở đề tài sau: Mục Đích Và Mối Liên Hệ Giữa Các Sách Giáo Lý (nói trên).


Thân mến,

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution