Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 4.2018

Bài số 18


TÍNH THỐNG NHẤT
GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

Trong Bài số 17, chúng ta đã bàn đến vai trò hết sức quan trọng của Thánh Kinh trong việc dạy giáo lý. Cũng vì thế mà mỗi GLV chúng ta được mời gọi yêu mến, siêng năng học hỏi và suy gẫm Thánh Kinh.
Nói tới Thánh Kinh là phải nói tới cả Cựu Ước, gồm 46 bản văn, và Tân Ước, gồm 27 bản văn (GLHTCG 120). Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là “qua tất cả các lời trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài” (GLHTCG 102).
Chính điều này cho ta thấy tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong hai Giao Ước, và Hội Thánh đã làm sáng tỏ tính thống nhất này nhờ cách đọc tiên trưng (GLHTCG 128).

1. Cách đọc tiên trưng là gì?
 Theo Tự Điển Công Giáo (trg. 880-881), “Tiên: trước; trưng: điềm báo. Tiên trưng trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là khuôn mẫu, kiểu mẫu. Tiên trưng, hay hình ảnh báo trước, là những nhân vật hay biến cố trong Cựu Ước tiên báo những thực tại trong Tân Ước. Ví dụ: Biến cố vượt qua Biển Đỏ trong Cựu Ước là tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] của ơn giải thoát nhờ Bí tích Thánh Tẩy.”
 Dầu vậy, “nhiều khi những hình ảnh trong Tân Ước cũng được gọi là tiên trưng khi báo trước những thực tại khác liên quan chặt chẽ hơn đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Ví dụ: Phép lạ hóa bánh ra nhiều là tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] của Bí Tích Thánh Thể (x. GLHTCG 1335).”
         
Vì thế, cách đọc tiên trưng “là phương pháp chú giải Thánh Kinh, hệ tại ở việc đọc và nhận ra những con người hay những biến cố trong Cựu Ước là hình ảnh báo trước và được hoàn thành nơi những con người hoặc biến cố trong Tân Ước. Ví dụ: Adam tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] cho Đức Kitô (x. Rm 5,12-21); nước hồng thủy tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] cho nước Bí Tích Thánh Tẩy (x. 1 Pr 3,20-21).”

2. Đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Tân Ước
Từ ý nghĩa của cách đọc tiên trưng (như đã nói trên) mà Hội Thánh mời gọi Kitô hữu hãy biết đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, để có thể khám phá và chiêm ngắm nội dung mặc khải vô tận của Thiên Chúa được bày tỏ cho nhân loại trong thời Cựu Ước (GLHTCG 129).

Thật vậy, để thấy được ý nghĩa của Cựu Ước, các nhà chú giải Thánh Kinh đã ví Cựu Ước như là nụ, Tân Ước như là hoa. Như nụ (hoa) được khoe sắc nơi cánh hoa thế nào thì Cựu Ước cũng được phản chiếu ánh sáng huy hoàng từ Tân Ước như vậy. Xem quả biết cây. Cánh hoa đẹp mách bảo ta rằng chính cái nụ của cánh hoa đó cũng đẹp.
Giá trị của Cựu Ước hệ tại ở chỗ “tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng nên có một giá trị thường tồn” (GLHTCG 121); và “tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ, Cựu Ước vẫn làm chứng về phương pháp giáo dục của tình yêu cứu độ của thiên Chúa: các sách ấy diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những giáo huấn cao sâu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu [...] và ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta” (GLHTCG 122).

3. Đọc Tân Ước dưới ánh sáng của Cựu Ước
Như đã nói trên, chúng ta cần biết đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Tân Ước để có thể khám phá ý nghĩa tuyệt vời của Cựu Ước. Ngược lại, chúng ta cũng cần phải biết đọc Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước (GLHTCG 128), vì “nhiệm cục Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là để chuẩn bị cho ngày quang lâm của Đức Kitô” (GLHTCG 122).
“Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi đi từ Đức Kitô [mà] các hình bóng được biểu lộ ra. Ví dụ: cơn lụt hồng thủy và con tàu ông Nôe là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ Bí tích Rửa Tội; cột mây và việc vượt qua Biển Đỏ cũng cùng ý nghĩa đó; nước từ tảng đá là hình bóng các hồng ân thiêng liêng của Đức Kitô; manna trong hoang địa là hình bóng tiên báo Thánh Thể, Bánh bởi trời, bánh đích thực” (GLHTCG 1094).
 Tin mừng cho ta thấy cách thức mà Đức Giêsu thường dùng để giúp các môn đệ tin vào Ngài là dẫn họ về với Cựu Ước, rồi mở trí cho họ hiểu Thánh Kinh (x. Lc 24, 45). Noi gương Đức Giêsu, ngay từ thời sơ khai, việc dạy giáo lý Kitô giáo đã luôn trở về với Cựu Ước (GLHTCG 129). Ngày nay cũng vậy. Ví dụ: Trước phần Phụng vụ Lời Chúa trong Lễ Vọng Phục Sinh, Hội Thánh mời gọi: “Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa [và] ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người ra làm sao, và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào” (Sách lễ Roma, trg 289).

Kết luận:
Cách đọc tiên trưng giúp chúng ta thấy được sự thống nhất và tính liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước: “Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước: cái Mới tiềm ẩn trong cái Cũ, còn cái Cũ xuất hiện trong cái Mới” (GLHTCG 129).
Thực vậy, cả hai Giao Ước liên hệ mật thiết với nhau. Cả hai Giao Ước soi sáng và bổ túc cho nhau, giúp ta nhận ra chương trình tuyệt diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
Nắm vững ý nghĩa của cách đọc tiên trưng và biết ứng dụng phương pháp này vào trong việc dạy giáo lý có thể giúp người ta thích thú học hỏi Thánh Kinh và tin yêu Chúa Giêsu nhiều hơn.


Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution