Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

KIỆU ĐỨC MẸ - KHAI MẠC THÁNG HOA

Vào lúc 19g00 Chúa nhật ngày 06/05/2018, toàn thể giáo xứ Bình An đã long trọng rước kiệu Đức Mẹ để khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ.

XEM HÌNH

Tham dự buổi rước kiệu có Cha quản xứ Anrê, Thầy xứ, Quý dì, quý HĐMV, các hội đoàn cùng đông đảo bà con giáo dân.
Với tinh thần sốt sắng và lòng yêu mến Đức Mẹ, buổi rước kiệu đã diễn ra một cách đầy trang nghiêm và thành kính với những chuỗi hạt trên tay mọi người, vừa đi vừa hát vừa lần chuỗi Mân Côi.
Sau khi kiệu Đức Mẹ một vòng quanh nhà thờ, đoàn rước dừng lại trước đài Đức Mẹ. Thay mặt cho giáo xứ, các em lễ sinh đã tiến lên dâng hương cho Đức Mẹ. Cùng với đó, các em thiếu nhi đã dâng lên những điệu vũ cùng những tràng hoa tươi xinh lên Đức Mẹ để bày tỏ lòng sùng kính và mến yêu.
Cha Anrê quản xứ đã có đôi lời để cổ võ tinh thần cho cộng đoàn giáo xứ nhằm tăng thêm lòng sốt mến đối với Chúa và Đức Mẹ. Sau cùng ngài ban phép lành cho cộng đoàn để kết thúc buổi rước kiệu ngày hôm nay.

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B

Phúc Âm: Ga 15, 9-17
"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".
Ðó là lời Chúa. 
Suy Niệm:
Ðức Giêsu chính thức tuyên bố lệnh truyền của Ngài: "Hãy yêu thương nhau" - một tình yêu vô vị lợi vì yêu như chính mình. Yêu vô vị lợi nghĩa là yêu thương mà không đòi phải đáp trả, như Ðức Giêsu đã không nói: "Hãy yêu Thầy như Thầy đã yêu anh em" mà Ngài nói: "Hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em". Yêu như chính mình là tình yêu cao trọng nhất, là dám hy sinh mạng sống mình như Ðức Giêsu đã tự hiến vì chúng ta. Ðó là tình yêu đích thực mà Ðức Giêsu và mỗi người môn đệ của Ngài đều thực thi. 
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu lớn lao nhất và Chúa cũng dạy chúng con phải biết yêu nhau như Chúa vậy. Tình yêu Chúa ban cho chúng con nhưng không; còn tình yêu của chúng con còn nhiều tính toán, nhỏ nhen, giả tạo. Chúng con chỉ dám cho đi những gì là dư thừa chứ chưa biết chia sẻ cả những điều mình quý trọng. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi lối sống của mình. Chúa đã Phục Sinh rồi, mỗi người chúng con cũng phải đổi mới chính mình để cũng được sống lại thật với Chúa trong tâm hồn. Amen.


Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM B

Phúc Âm: Ga 15, 1-8
"Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".
Ðó là lời Chúa. 
Suy Niệm:
Trong Cựu Ước, hình ảnh cây nho tượng trưng cho dân Israel. Dân này được Thiên Chúa vun trồng, che chở bao bọc như chủ vườn chăm sóc cây nho. Nhưng dân này đã làm Thiên Chúa thất vọng vì họ không trổ sinh hoa trái tốt lành.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu chính là hình ảnh cây nho thật mà Chúa Cha ưng ý. Cây nho trổ sinh nhiều hoa trái cho Thiên Chúa. Ðức Giêsu là cây, các môn đệ là cành. Cành nho chỉ sinh nhiều hoa trái khi gắn liền với cây và được cắt tỉa. Môn đệ Ðức Giêsu cũng chỉ trưởng thành trong ân sủng khi được kết hiệp với Ngài và được thanh luyện trong giáo huấn của Ngài.
Ðời sống thiêng liêng của chúng ta cũng lớn lên và sinh hoa trái khi chúng ta chấp nhận loại bỏ, cắt tỉa những gai góc, những chướng ngại trong chúng ta và biết gắn kết với Ðức Giêsu. 
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là cành luôn gắn chặt với Chúa là thân cây. Vì cành chỉ sống được nhờ sức sống của cây. Chúng con chỉ có thể sống, lớn lên và sinh nhiều hoa trái trong đức tin và ân sủng nhờ sức sống của Chúa. Xin cho chúng con can đảm để Chúa cắt tỉa chúng con. Dù khi cắt tỉa chắc chắn là đau xót, nhưng thà chúng con chịu đau để được sống đời đời, còn hơn chúng con không chịu hy sinh từ bỏ, chúng con chỉ là một cành trơ trụi và vô dụng mà Chúa sẽ loại trừ trong ngày sau hết. Amen.


Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM B

Phúc Âm: Ga 10, 11-18
"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Người chăn chiên tốt lành chính là Ðức Giêsu. Chỉ có Ðức Giêsu là Mục Tử đích thực vì Ngài đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên được an toàn, được tự do, và được sống. Ngài đã chịu đóng đinh và chịu chết cách ô nhục để cứu vớt toàn thể nhân loại. Nhờ tình yêu và yêu tới cùng của vị Mục Tử, đoàn chiên đã được sống và sống dồi dào.


Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 4.2018

Bài số 18


TÍNH THỐNG NHẤT
GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

Trong Bài số 17, chúng ta đã bàn đến vai trò hết sức quan trọng của Thánh Kinh trong việc dạy giáo lý. Cũng vì thế mà mỗi GLV chúng ta được mời gọi yêu mến, siêng năng học hỏi và suy gẫm Thánh Kinh.
Nói tới Thánh Kinh là phải nói tới cả Cựu Ước, gồm 46 bản văn, và Tân Ước, gồm 27 bản văn (GLHTCG 120). Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là “qua tất cả các lời trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài” (GLHTCG 102).
Chính điều này cho ta thấy tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong hai Giao Ước, và Hội Thánh đã làm sáng tỏ tính thống nhất này nhờ cách đọc tiên trưng (GLHTCG 128).

1. Cách đọc tiên trưng là gì?
 Theo Tự Điển Công Giáo (trg. 880-881), “Tiên: trước; trưng: điềm báo. Tiên trưng trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là khuôn mẫu, kiểu mẫu. Tiên trưng, hay hình ảnh báo trước, là những nhân vật hay biến cố trong Cựu Ước tiên báo những thực tại trong Tân Ước. Ví dụ: Biến cố vượt qua Biển Đỏ trong Cựu Ước là tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] của ơn giải thoát nhờ Bí tích Thánh Tẩy.”
 Dầu vậy, “nhiều khi những hình ảnh trong Tân Ước cũng được gọi là tiên trưng khi báo trước những thực tại khác liên quan chặt chẽ hơn đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Ví dụ: Phép lạ hóa bánh ra nhiều là tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] của Bí Tích Thánh Thể (x. GLHTCG 1335).”
         
Vì thế, cách đọc tiên trưng “là phương pháp chú giải Thánh Kinh, hệ tại ở việc đọc và nhận ra những con người hay những biến cố trong Cựu Ước là hình ảnh báo trước và được hoàn thành nơi những con người hoặc biến cố trong Tân Ước. Ví dụ: Adam tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] cho Đức Kitô (x. Rm 5,12-21); nước hồng thủy tiên trưng [hay hình ảnh báo trước] cho nước Bí Tích Thánh Tẩy (x. 1 Pr 3,20-21).”

2. Đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Tân Ước
Từ ý nghĩa của cách đọc tiên trưng (như đã nói trên) mà Hội Thánh mời gọi Kitô hữu hãy biết đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, để có thể khám phá và chiêm ngắm nội dung mặc khải vô tận của Thiên Chúa được bày tỏ cho nhân loại trong thời Cựu Ước (GLHTCG 129).

Thật vậy, để thấy được ý nghĩa của Cựu Ước, các nhà chú giải Thánh Kinh đã ví Cựu Ước như là nụ, Tân Ước như là hoa. Như nụ (hoa) được khoe sắc nơi cánh hoa thế nào thì Cựu Ước cũng được phản chiếu ánh sáng huy hoàng từ Tân Ước như vậy. Xem quả biết cây. Cánh hoa đẹp mách bảo ta rằng chính cái nụ của cánh hoa đó cũng đẹp.
Giá trị của Cựu Ước hệ tại ở chỗ “tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng nên có một giá trị thường tồn” (GLHTCG 121); và “tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ, Cựu Ước vẫn làm chứng về phương pháp giáo dục của tình yêu cứu độ của thiên Chúa: các sách ấy diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những giáo huấn cao sâu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu [...] và ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta” (GLHTCG 122).

3. Đọc Tân Ước dưới ánh sáng của Cựu Ước
Như đã nói trên, chúng ta cần biết đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Tân Ước để có thể khám phá ý nghĩa tuyệt vời của Cựu Ước. Ngược lại, chúng ta cũng cần phải biết đọc Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước (GLHTCG 128), vì “nhiệm cục Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là để chuẩn bị cho ngày quang lâm của Đức Kitô” (GLHTCG 122).
“Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi đi từ Đức Kitô [mà] các hình bóng được biểu lộ ra. Ví dụ: cơn lụt hồng thủy và con tàu ông Nôe là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ Bí tích Rửa Tội; cột mây và việc vượt qua Biển Đỏ cũng cùng ý nghĩa đó; nước từ tảng đá là hình bóng các hồng ân thiêng liêng của Đức Kitô; manna trong hoang địa là hình bóng tiên báo Thánh Thể, Bánh bởi trời, bánh đích thực” (GLHTCG 1094).
 Tin mừng cho ta thấy cách thức mà Đức Giêsu thường dùng để giúp các môn đệ tin vào Ngài là dẫn họ về với Cựu Ước, rồi mở trí cho họ hiểu Thánh Kinh (x. Lc 24, 45). Noi gương Đức Giêsu, ngay từ thời sơ khai, việc dạy giáo lý Kitô giáo đã luôn trở về với Cựu Ước (GLHTCG 129). Ngày nay cũng vậy. Ví dụ: Trước phần Phụng vụ Lời Chúa trong Lễ Vọng Phục Sinh, Hội Thánh mời gọi: “Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa [và] ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người ra làm sao, và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào” (Sách lễ Roma, trg 289).

Kết luận:
Cách đọc tiên trưng giúp chúng ta thấy được sự thống nhất và tính liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước: “Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước: cái Mới tiềm ẩn trong cái Cũ, còn cái Cũ xuất hiện trong cái Mới” (GLHTCG 129).
Thực vậy, cả hai Giao Ước liên hệ mật thiết với nhau. Cả hai Giao Ước soi sáng và bổ túc cho nhau, giúp ta nhận ra chương trình tuyệt diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
Nắm vững ý nghĩa của cách đọc tiên trưng và biết ứng dụng phương pháp này vào trong việc dạy giáo lý có thể giúp người ta thích thú học hỏi Thánh Kinh và tin yêu Chúa Giêsu nhiều hơn.


Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú



Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật 3 phục sinh năm bPhúc Âm: Lc 24, 35-48
"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".
Ðó là lời Chúa. 
Suy Niệm:
Khi các tông đồ đang tụ họp. Ðức Giêsu đã đến giữa họ và chúc Bình An cho họ. Bình An của Chúa chỉ ở lại nơi những cộng đoàn sống hòa hợp, đồng tâm nhất trí với nhau.Gia đình hòa thuận, khu xóm an vui, giáo xứ êm ấm... là những cộng đoàn được Ðức Giêsu vui thích hiện diện và chúc lành cho họ.
Cầu Nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu xin Chúa đến với gia đình chúng con, xứ sở chúng con. Sự hiệp nhất của chúng con trong mọi công việc, nhất là trong các giờ kinh gia đình là điều làm Chúa vui lòng. Chúng con xin Chúa hiện diện giữa chúng con, hướng dẫn và đem bình an hạnh phúc cho chúng con. Amen.


Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM B

Phúc Âm: Ga 20, 19-31
"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Giữa cơn lo sợ bàng hoàng còn chưa nguôi; các cửa phòng còn đóng kín để tránh ánh mắt soi mói của người Do thái. Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ hiện đến, mang theo bình an và Thần Khí của Ngài để làm cho các Tông Đồ được vững mạnh trong niềm tin. Từ cõi chết, Đức Giêsu đã bước vào cõi trường sinh; từ tình trạng xem như thất bại, Đức Giêsu đã chiến thắng vẻ vang. Cùng với Đức Giêsu, từ nay người môn đệ của Ngài luôn sống trong hân hoan, bình an vì Thầy của họ đã thắng thế gian và đưa họ vào nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ước gì lời chúc bình an của Chúa sẽ là nguồn trợ lực cho suốt cuộc đời chúng con. Chúng con chỉ có bình an thực sự khi tin tưởng phó thác vào Chúa. Nhờ đức tin, nhờ Lời Chúa soi dẫn, chúng con xác tín rằng Chúa luôn ở bên chúng con và nâng đỡ chúng con trong từng biến cố. Xin Chúa đến ngự giữa chúng con. Amen.


Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

TUẦN THÁNH 2018 TẠI GX BÌNH AN

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Nhấp vào ảnh để xem album

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Nhấp vào ảnh để xem album

THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Nhấp vào ảnh để xem album

LỄ VỌNG PHỤC SINH
Nhấp vào ảnh để xem album

CHÚA NHẬT I PHỤC SINH NĂM B

 Phúc Âm: Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa. 
 Suy Niệm:
 Sự chết và Phục Sinh của Ðức Giêsu đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kinh Thánh đã tiên báo về Ngài. Ðức Giêsu chết để nhân loại chôn vùi tội lỗi cùng với cái chết của Ngài. Ðức Giêsu Phục Sinh để sự sống Thần Linh của Ðức Giêsu sống động trong tâm hồn mọi người. Ðức Giêsu Phục Sinh đã tái lập sự sống mới trên trần gian. Sự sống mới là sự sống chan hòa yêu thương. Vì tình yêu đã chiến thắng hận thù. Sự đen tối của màn đêm phải lui xa, nhường lại thế giới cho ánh bình minh tươi sáng. Khởi đầu một ngày mới, một trời mới đất mới xuất hiện. Trong niềm hân hoan chúng ta reo vui. Alleluia. 
 Cầu Nguyện:
 Lạy Ðấng Phục Sinh, xin đem niềm vui đến trong tâm hồn chúng con. Chúa đã chết để đem sự sống mới cho chúng con. Xin đừng để chúng con mải mê ngủ vùi trong tội lỗi, nhưng biết vùng dậy để đón mừng Mặt Trời Công Chính tươi sáng chiếu rọi vào tâm hồn chúng con. Cùng với Ðức Giêsu Phục Sinh, chúng con reo vui cuộc chiến thắng khải hoàn. Amen. Alleluia.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B

Bài Thương Khó: Mc 15, 1-39 (bài ngắn)
C. Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:
S. "Ông có phải là vua dân Do-thái không?"
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Ông nói đúng!"
C. Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:
S. "Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!"
C. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tùy ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:
S. "Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?"
C. (Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:
S. "Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?"
C. Nhưng chúng lại kêu lên:
S. "Đóng đinh nó đi!"
C. Philatô đáp lại:
S. "Người này đã làm gì nên tội?"
C. Song chúng càng la to hơn:
S. "Đóng đinh nó đi!"
C. Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Đoạn chào Người rằng:
S. "Tâu Vua dân Do-thái".
C. Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.
Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:
S. "Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!"
C. Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:
S. "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Đấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!"
C. Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:
J. "Eloi, Eloi, lama sabacthani!"
C. Nghĩa là:
J. "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!"
C. Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:
S. "Kìa, nó gọi Elia!"
C. Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:
S. "Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?"
C. Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ ly trong giây lát)
Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:
S. "Đúng người này là Con Thiên Chúa!"
Suy Niệm:
Đức Giêsu được rước vào thành thánh cách long trọng, nhưng cũng chính trong vinh quang này lại mở màn cho cuộc khổ nạn đau thương! Thật không thể hiểu nổi một Đấng Cứu Thế lại có thể bị ngược đãi, nhục hình! Cũng không thể tin nổi được lòng dạ con người mau đổi trắng thay đen! Tung hô đó để rồi đả đảo ngay. Nhưng tại sao Thiên Chúa lại để cho Con của Ngài phải chấp nhận cái nhục nhã và tủi sầu đến thế? Đức Giêsu suốt một đời sống vì con người, sống cho con người, lại phải kết thúc cuộc đời giữa tiếng la ó đả đảo kết án của con người. Cuộc đời Ngài cay đắng vậy sao?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trong tuần lễ này, toàn thể Giáo Hội chúng con lặng lẽ dõi bước theo Chúa đi vào con đường khổ nạn. Âm thầm nhìn Chúa bị treo trên đồi cao... chỉ vì hạnh phúc của chúng con. Ôi một tuần hồng phúc. Xin cho chúng con sống trọn tuần này với lòng cảm mến nồng nàn, lòng biết ơn sâu xa. Xin cho chúng con luôn trung thành và đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa. Chúa đã sống vì yêu, chết vì yêu và chỉ trong tình yêu mới tạo sức sống cho cuộc đời. Amen.


Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 3.2018

Bài số 17
   
VAI TRÒ CỦA THÁNH KINH
TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ


Trong việc dạy giáo lý, nội dung giáo lý và Thánh Kinh không thể tách rời nhau. Đó là điều quan trọng mà mỗi GLV cần phải xác tín.

1. Mục đích tối hậu của công việc giáo lý
Để có thể hiểu tại sao nội dung giáo lý và Thánh Kinh không thể tách rời nhau, ta cần phải biết mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là gì. “Mục đích tối hậu của việc dạy Giáo Lý không những là đưa người ta đến tiếp xúc mà còn hiệp thông cách mật thiết với Đức Chúa Giêsu Kitô: Chỉ mình Người có thể đưa chúng ta đến tình yêu của Đức Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và cho chúng ta được chia sẻ đời sống của Chúa Ba Ngôi” (Tông huấn Catechesi Tradendae, 5).

2. Giáo lý phải dựa trên Thánh Kinh
Nếu mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là giúp đưa người ta tiếp xúc và hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, thì nội dung giáo lý phải dựa trên Thánh Kinh, vì như Thánh Giê-rô-ni-mô khẳng định “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (GLHTCG, 133).
Sau đây là vài trích dẫn Thánh Kinh cho thấy tại sao giáo lý lại phải dựa trên Thánh Kinh. Trước hết, vì Đức Kitô đã khẳng định: “Chính Thánh Kinh làm chứng về Tôi” (Ga 5,39). Người cũng đã khẳng định tương tự với hai môn đệ trên đường Emmau: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27). Kế đến là lời quả quyết của Thánh Phêrô, như được ghi lại trong bài giảng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Trong bài giảng này, Thánh Phêrô đã đưa ra ba trích dẫn Cựu Ước để chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Xin xem Công Vụ Tông Đồ, chương 2, các câu 14 đến 36. Còn đối với Thánh Phaolô, chẳng những Ngài đã khẳng định rằng Thánh Kinh làm chứng về Đức Kitô mà còn cho ta thấy sự hiểu biết này là do Đấng Phục Sinh đã mặc khải cho Ngài. Ngài nói: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (I Cr, 3-4).
Hội Thánh xác quyết: “Toàn bộ Thánh Kinh là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất là chính Chúa Kitô, ‘bởi vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Chúa Kitô và toàn bộ Thánh Kinh được hoàn tất trong Đức Kitô” (GLHTCG, 134).

3. Một vài tiêu chuẩn khi trình bày sứ điệp Tin mừng trong việc dạy giáo lý
Theo Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý (97-118), GLV cần lưu ý đến những tiêu chuẩn sau đây khi trình bày sứ điệp Tin mừng:
Phải tập trung vào con người Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó dẫn đưa ta vào sự thông hiệp với Chúa Ba Ngôi. “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Quả vậy, mọi nỗ lực trong đời sống đức tin của chúng ta là để hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. (Xin xem lại bài số 3: Đặc tính qui Kitô trong huấn giáo.)
- Phải nhấn mạnh đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu, bao hàm một sứ điệp giải thoát con người khỏi mọi áp bức, nhất là khỏi tội lỗi và ác thần. Ơn cứu độ phải được nhìn nhận như là cốt lõi và trọng tâm của sứ điệp Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, cần trình bày sứ điệp Lời Chúa sao cho người nghe không chỉ có thể cảm nhận được niềm vui vì được cứu độ, giải thoát, mà còn vui vì được biết Chúa, vui vì được Chúa biết, vui vì có thể phó thác đời sống ta cho Ngài, vui vì được bước theo Ngài, và vui vì được tham gia vào việc loan báo Tin mừng của Ngài.
- Phải mang đậm nét đặc tính Hội Thánh. Đức tin của chúng ta đến từ Hội Thánh. Chính Hội Thánh truyền đạt đức tin cho chúng ta. Việc dạy giáo lý phát xuất từ việc tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, nhằm dẫn đưa người khác đến chỗ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Qua việc dạy giáo lý, GLV có nhiệm vụ giúp các học viên tiến tới chỗ hiệp nhất trong đức tin với toàn thể Hội Thánh. Để đạt được điều này, GLV cần biết đọc, hiểu và trình bày sứ điệp Tin mừng như Hội Thánh tin và giảng dạy, vì chỉ có Hội Thánh được Chúa Kitô ủy thác nhiệm vụ lưu truyền và giải thích mặc khải cho nhân loại. Có như thế, tính toàn vẹn và tinh ròng của đức tin mới được bảo đảm. Chúa Giêsu đã loan báo Tin mừng cách trọn vẹn, như Ngài đã khẳng định: “Tất cả những gì Ta đã nghe bởi Cha Ta, thì Ta đã cho các con biết” (Ga, 15,15), và Ngài cũng đã đòi hỏi các môn đệ của Ngài như thế khi sai họ đi rao giảng Tin mừng: “… các con hãy dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt, 28,19).
Kết luận: Để công việc dạy giáo lý đạt được kết quả tốt đẹp như Hội Thánh mong muốn, GLV cần yêu mến, siêng năng đọc và suy gẫm Thánh Kinh.

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution