VAI TRÒ CỦA THÁNH KINH
TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Trong việc dạy giáo lý, nội dung giáo lý và
Thánh Kinh không thể tách rời nhau. Đó là điều quan trọng mà mỗi GLV cần phải
xác tín.
1. Mục đích tối hậu của công việc giáo lý
Để có thể hiểu tại sao nội dung giáo lý và
Thánh Kinh không thể tách rời nhau, ta cần phải biết mục đích tối hậu của việc
dạy giáo lý là gì. “Mục đích tối hậu của việc dạy Giáo Lý không những là đưa
người ta đến tiếp xúc mà còn hiệp thông cách mật thiết với Đức Chúa Giêsu Kitô:
Chỉ mình Người có thể đưa chúng ta đến tình yêu của Đức Chúa Cha trong Chúa
Thánh Thần và cho chúng ta được chia sẻ đời sống của Chúa Ba Ngôi” (Tông huấn
Catechesi Tradendae, 5).
2. Giáo lý phải dựa trên Thánh Kinh
Nếu mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là
giúp đưa người ta tiếp xúc và hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, thì nội dung giáo
lý phải dựa trên Thánh Kinh, vì như Thánh Giê-rô-ni-mô khẳng định “không biết
Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (GLHTCG, 133).
Sau đây là vài trích dẫn Thánh Kinh cho thấy
tại sao giáo lý lại phải dựa trên Thánh Kinh. Trước hết, vì Đức Kitô đã khẳng
định: “Chính Thánh Kinh làm chứng về Tôi” (Ga 5,39). Người cũng đã khẳng định
tương tự với hai môn đệ trên đường Emmau: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng các
anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ
hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông
Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan
đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27). Kế đến là lời quả quyết của
Thánh Phêrô, như được ghi lại trong bài giảng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Trong bài
giảng này, Thánh Phêrô đã đưa ra ba trích dẫn Cựu Ước để chứng minh Chúa Giêsu
là Đấng Kitô. Xin xem Công Vụ Tông Đồ, chương 2, các câu 14 đến 36. Còn đối với
Thánh Phaolô, chẳng những Ngài đã khẳng định rằng Thánh Kinh làm chứng về Đức
Kitô mà còn cho ta thấy sự hiểu biết này là do Đấng Phục Sinh đã mặc khải cho
Ngài. Ngài nói: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận, đó
là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh, rồi Người đã
được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (I Cr, 3-4).
Hội Thánh xác quyết: “Toàn bộ Thánh Kinh là
một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất là chính Chúa Kitô, ‘bởi vì toàn
bộ Thánh Kinh nói về Chúa Kitô và toàn bộ Thánh Kinh được hoàn tất trong Đức
Kitô” (GLHTCG, 134).
3. Một vài tiêu chuẩn khi trình bày sứ điệp Tin mừng
trong việc dạy giáo lý
Theo Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý
(97-118), GLV cần lưu ý đến những tiêu chuẩn sau đây khi trình bày sứ điệp Tin
mừng:
- Phải
tập trung vào con người Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó dẫn đưa ta vào sự thông hiệp
với Chúa Ba Ngôi. “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga
14,6). Quả vậy, mọi nỗ lực trong đời sống đức tin của chúng ta là để hướng về
Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. (Xin xem lại bài
số 3: Đặc tính qui Kitô trong huấn giáo.)
- Phải nhấn mạnh đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu,
bao hàm một sứ điệp giải thoát con người khỏi mọi áp bức, nhất là khỏi tội lỗi
và ác thần. Ơn cứu độ phải được nhìn nhận như là cốt lõi và trọng tâm của sứ
điệp Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, cần trình bày sứ điệp Lời Chúa sao
cho người nghe không chỉ có thể cảm nhận được niềm vui vì được cứu độ, giải
thoát, mà còn vui vì được biết Chúa, vui vì được Chúa biết, vui vì có thể phó
thác đời sống ta cho Ngài, vui vì được bước theo Ngài, và vui vì được tham gia
vào việc loan báo Tin mừng của Ngài.
- Phải mang đậm nét đặc tính Hội Thánh. Đức
tin của chúng ta đến từ Hội Thánh. Chính Hội Thánh truyền đạt đức tin cho chúng
ta. Việc dạy giáo lý phát xuất từ việc tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, nhằm dẫn
đưa người khác đến chỗ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Qua việc dạy giáo lý,
GLV có nhiệm vụ giúp các học viên tiến tới chỗ hiệp nhất trong đức tin với toàn
thể Hội Thánh. Để đạt được điều này, GLV cần biết đọc, hiểu và trình bày sứ
điệp Tin mừng như Hội Thánh tin và giảng dạy, vì chỉ có Hội Thánh được Chúa
Kitô ủy thác nhiệm vụ lưu truyền và giải thích mặc khải cho nhân loại. Có như
thế, tính toàn vẹn và tinh ròng của đức tin mới được bảo đảm. Chúa Giêsu đã
loan báo Tin mừng cách trọn vẹn, như Ngài đã khẳng định: “Tất cả những gì Ta đã
nghe bởi Cha Ta, thì Ta đã cho các con biết” (Ga, 15,15), và Ngài cũng đã đòi
hỏi các môn đệ của Ngài như thế khi sai họ đi rao giảng Tin mừng: “… các con
hãy dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt, 28,19).
Kết luận: Để công việc dạy giáo lý đạt được kết quả tốt đẹp như Hội Thánh
mong muốn, GLV cần yêu mến, siêng năng đọc và suy gẫm Thánh Kinh.
Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét