Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 2.2018

Bài số 16
   

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỐ CỤC (BỐN PHẦN) CỦA
SÁCH GIÁO LÝ & CÁC NGHĨA CỦA THÁNH KINH


Để có thể thấy được mối liên hệ trên, trước hết, chúng ta cần xem lại bố cục của sách GLHTCG và các nghĩa của Thánh Kinh.

1. Bố cục và ý nghĩa của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (x. GLHTCG, 3)

Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo (như được thể hiện trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo) được trình bày xoay quanh bốn trục chính yếu: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (chủ yếu dựa trên Kinh Tin Kính), CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO (đặc biệt là bảy bí tích của Hội Thánh), ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ (cách riêng là Mười Điều Răn) và KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO (nhất là Kinh Lạy Cha).
Bốn phần trên liên kết với nhau cách một chặt chẽ, nhằm trình bày một cách trung thành và có hệ thống đạo lý của Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền, cùng những gia sản thiêng liêng của các Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các Thánh nam nữ trong Hội thánh, và qua đó, Hội thánh thực thi quyền và bổn phận được Đức Kitô ủy thác là loan báo và giúp cho dân Thiên Chúa hiểu biết mầu nhiệm Kitô giáo cách tốt hơn và làm cho đức tin của các tín hữu được kiện toàn, nghĩa là chẳng những tin mà còn yêu và luôn trung thành bước theo Đức Kitô.

2. Các nghĩa của Thánh Kinh (x. GLHTCG: 113-118)
Theo truyền thống cổ xưa, Hội Thánh ghi nhận có bốn nghĩa của Thánh Kinh; đó là: Nghĩa văn tự, nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa dẫn đường. Và vào thời Trung cổ, một câu thơ đã được sáng tác nhằm diễn tả ý nghĩa của từng nghĩa này như sau: “Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới.”
Nếu như có một sự liên hệ chặt chẽ giữa bốn phần của sách GLHTCG (như được nói trên), thì cũng có một sự hòa hợp sâu sắc giữa các nghĩa của Thánh Kinh, nhờ đó giúp cho việc đọc Thánh Kinh được sống động và tiếp cận tất cả sự phong phú của nó. Quả vậy, qua việc đọc Thánh Kinh, ta không chỉ có thể nhận ra những công trình kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử nhân loại (như chính từng từ của Thánh Kinh nói lên – nghĩa văn tự, hay nghĩa đen) mà còn giúp ta hiểu các biến cố ấy một cách sâu xa hơn khi nhận ra ý nghĩa của chúng trong Đức Kitô (nghĩa ẩn dụ).
Thí dụ: cuộc vượt qua Biển đỏ là dấu chỉ của Bí tích Rửa tội, dấu chỉ chiến thắng của Đức Kitô; Manna được ban trong sa mạc báo trước mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể; câu chuyện con con rắn đồng báo trước mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô, v.v. Và hiển nhiên, việc chiêm ngắm các biến cố được thuật lại trong Thánh Kinh phải dẫn ta đến hành động chính trực, nghĩa là răn dạy và uốn nắn ta sống theo thánh ý của Chúa trong cuộc đời này (nghĩa luân lý), đồng thời hướng ta tới hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu trên Quê trời (nghĩa dẫn đường).
           
3. Mối liên hệ giữa các phần trong sách GLHTCG và các nghĩa của Thánh Kinh
      
Mối liên hệ giữa bố cục của sách GLHTCG và các nghĩa của Thánh Kinh được thể hiện rõ nét trong thứ tự và ý nghĩa của mỗi phần của sách giáo lý và mỗi nghĩa của Thánh Kinh. Quả vậy, nếu như nội dung đức tin được trình bày xoay quanh bốn phần, thì Thánh Kinh cũng gồm bốn nghĩa. Nghĩa thứ nhất của Thánh Kinh được xếp ngang hằng với Kinh Tin Kính (phần thứ nhất của sách giáo lý). Cả hai yếu tố này đều có nghĩa diễn tả những sự thật đã (hoặc sẽ) xảy ra (phán xét chung, sự sống lại của thân xác) trong lịch sử cứu độ. Và nếu như nghĩa văn tự là nghĩa nền tảng, được trình bày trước các nghĩa khác của Thánh Kinh, thì Kinh Tin Kính cũng phải được trình bày trước các phần khác trong sách giáo lý. Thật vậy, giả như không có nghĩa văn tự thì không thể có các nghĩa khác của Thánh Kinh; tương tự, nếu không có đức tin như được trình bày trong Kinh Tin Kính, thì cũng không thể có phần giáo lý về các bí tích và các nhân đức Kitô giáo, v.v.
Nghĩa thứ hai của Thánh Kinh (nghĩa ẩn dụ) được coi là tương hợp với phần thứ hai của sách giáo lý (cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, đặc biệt là bảy bí tích). Quả vậy, nếu việc đọc Thánh Kinh giúp người ta nhận biết Chúa Kitô, vì Thánh Kinh làm chứng về Người (x Ga 5,39), thì đức tin, được trình bày qua Kinh Tin Kính, dẫn người ta tới gặp gỡ Chúa Kitô, đặc biệt qua các bí tích được cử hành, nhất là Bí tích Thánh Thể. Cũng vậy, nghĩa thứ ba của Thánh Kinh (nghĩa luân lý) thì tương đương với phần thứ ba của sách giáo lý, vì cả hai điều này dạy người ta về đời sống luân lý, hướng dẫn và xây đắp đời sống của Kitô hữu theo lời dạy và mẫu gương của Đức Kitô. Và nghĩa thứ tư của Thánh Kinh (nghĩa dẫn đường) thì tương đương với phần thứ tư của sách giáo lý (Kinh nguyện Kitô giáo, nhất là Kinh Lạy Cha). Cả hai hướng tâm hồn Kitô hữu trông chờ và nuôi dưỡng niềm hy vọng được gặp Chúa diện đối diện trong Nước Trời sau này.

Kết luận:
           
Có một mối liên hệ mật thiết giữa bốn phần của sách giáo lý và các nghĩa của Thánh Kinh. Nội dung giáo lý và Thánh Kinh không thể tách rời nhau. Quả vậy, qua công việc giáo lý, Hội Thánh thực thi quyền và bổn phận huấn giáo của mình; đang khi đó, nguồn của giáo lý lại là Thánh Kinh, như được gìn giữ và lưu truyền một cách đầy đủ và chính xác trong truyền thống sống động của Hội thánh. Hiểu được các nghĩa của Thánh Kinh, các phần của sách giáo lý, cũng như thứ tự của nó có thể giúp ta sống đức tin cách vững vàng và trưởng thành hơn.

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B

PHÚC ÂM: Mc 9, 1-9
"Ðây là Con Ta rất yêu dấu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.


Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Ai Tín: Thân phụ Nữ tu Maria Lê Thị Thu Hằng, Dòng Mến Thánh Gia Phan Thiết

Hình ảnh có liên quan

“Phúc thay ai được chết trong Chúa " (x. Kh 14, 13)

Trong niềm tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót,
Gia đình chúng con xin kính báo:
Ông Cố Gioan Baotixita LÊ KIÊN
Sinh năm 1933 tại Quỳnh Lưu - Nghệ An
đã được Chúa gọi về lúc 7g40, ngày 21 tháng 02 năm 2018
tại tư gia 64 Nguyễn Chí Thanh - Tân Bình - Lagi - Bình Thuận.
Hưởng thọ 85 tuổi.

THÁNH LỄ AN TÁNG

do Cha Giuse Hồ SĨ Hữu, Tổng Đại diện Giáo phận Phan Thiết chủ sự
vào lúc 08g 30 thứ Sáu, ngày 23 tháng 02 năm 2018
tại Nhà thờ Giáo xứ Bình An - Giáo hạt Hàm Tân.

Sau Thánh lễ, linh cữu sẽ được an táng tại đất thánh Giáo xứ Bình An.
Kính xin Đức Cha, Quý Cha và Quý vị hiệp dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho
Ông Cố Gioan Baotixita sớm được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Kính báo
 Nữ tu Maria Lê Thị Thu Hằng
Trưởng nam GB. Lê Minh Tuấn
cùng tang quyến.

Hợp thỉnh
Lm Anrê Lương Vĩnh Phú


Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B

Phúc  Âm: Mc 1, 12-15
"Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Ðó là lời Chúa.
SUY  NIỆM:
Ðược sự thúc đẩy của Thần Khí, Ðức Giêsu đã vào sa mạc để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ, trước khi công khai ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Trong thời gian này và trong suốt cuộc đời Ngài, Ðức Giêsu không kể mình là một vị Thiên Chúa quyền uy. Ngài đã hòa mình sống, chia sẻ, cảm thông với kiếp nhân sinh. Ðây cũng là thời gian để Ngài lắng nghe và sẽ thi hành sứ vụ Chúa Cha trao.Sứ vụ: Loan Tin Mừng Cứu Ðộ.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật sung sướng hạnh phúc được làm môn đệ của Chúa. Chúa là vị Thầy luôn yêu thương chúng con đến nỗi đã trở nên giống chúng con mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.
Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi để trở nên giống Chúa. Amen.


Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B

PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45
"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Phong hủi đối với người Do thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế. Bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là ô nhơ. Vì thế người phong hủi thường ở những nơi cách biệt. Nếu đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi. Bài Tin Mừng hôm nay cho biết người phong hủi dám đến và xin Đức Giêsu chữa lành. Điều đó chứng tỏ bệnh nhân có một niềm xác tín vào Đức Giêsu. Đức Giêsu vừa quyền phép lại vừa rất yêu thương. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa không chê người phong hủi nhơ bẩn. Chúa không gớm ghét thân phận tội lỗi của loài người chúng con. Chúa càng yêu thương bệnh nhân bao nhiêu, Chúa càng phẫn nộ với bệnh tật bấy nhiêu. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương những người yếu đuối, bệnh tật. Xin cho khoa học tiến bộ để giúp con người mạnh khỏe an vui. Thiên Chúa chỉ được vinh danh khi con người được hạnh phúc. Amen.


Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

NGÀY HỘI BÁNH TÉT GIÁO XỨ

Sáng nay, ngày 08-02-2018, Giáo xứ Bình An khai mạc ngày gói bánh tét mừng Xuân Mâu Tuất. Đây là lần thứ hai giáo xứ tổ chức gói bánh mừng xuân.



Đúng 7 giờ dưới tiết trời đông se lạnh, HĐMV và trưởng các đoàn thể đại diện cộng đoàn dân Chúa đã tập trung về nhà xứ. Mở đầu là lời chào mừng của vị đại diện HĐMV, sau đó Cha An-rê quản xứ công bố lời Chúa, làm nghi thức thánh hóa các vật liệu gói bánh và nêu rõ việc làm hôm nay trong tâm tình tạ ơn với những hồng ân năm qua Chúa đã trao ban và xin Chúa thánh hóa những ước nguyện năm mới, đồng thời để tạo tình hiệp thông, đoàn kết với mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ.


Theo kế hoạch, giáo xứ sẽ gói 1.500 chiếc bánh (1,3 kg/ 1 bánh) để tặng cho mỗi gia đình trong giáo xứ không kể lương giáo mỗi gia đình 2 chiếc. Chi phí cho việc gói bánh này là kết quả của chương trình “Nuôi Heo Đất” của mỗi gia đình trong giáo xứ trong dịp Lễ Chúa Giáng Sinh vừa qua.


Nhằm phục vụ chiêu đãi sáng trưa và tối cho các thành viên ban tổ chức và các nghệ nhân gói bánh, 1 chú heo 100kg đã được hạ thủ. Được biết đây là chú heo do Tu Đoàn Nam Bác Ái Xã Hội gởi tặng.
Nồi bánh thứ nhất được nổi lửa vào lúc 8 giờ 20, và các nồi kế tiếp sẽ được kéo dài đến hết đêm nay. Trong đêm, chương trình canh thức nấu bánh sẽ có phụ diễn Karaoke cho các nghệ nhân gói bánh và ban tổ chức.
Được biết, Chúa Nhật vừa qua giáo xứ Bình An cũng đã tổ chức tiệc mừng khánh thành khu Nhà Trẻ và tạ ơn tất niên. 
Chúc Giáo xứ Bình An luôn được Chúa quan phòng…
“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,12)

BTT Hàm Tân


Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN B

PHÚC ÂM : Mc 1, 29-39
"Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Một ngày ở Caphanaum, Đức Giêsu bận bịu với biết bao nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường; chữa bà già ông Simon khỏi cơn sốt nặng. Chiều đến lại chữa mọi bệnh tật được người ta mang đến. Được thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người. Đức Giêsu tất bật với sứ vụ được trao phó... Ngài mãi còn thao thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, Cuộc sống của chúng con cũng có biết bao nhiêu nhiệm vụ phải chu toàn. Xin Chúa hãy đốt lên trong chúng con tình yêu mến, để chúng con luôn hăng say không mệt mỏi. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ trong gia đình, nhiệm vụ nơi công sở, nhiệm vụ nơi xứ đạo, nhiệm vụ với mọi người. Trong mọi công việc, chúng con sẽ thi hành tốt nhất để đẹp lòng Chúa Cha. Amen.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution