Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 2.2018

Bài số 16
   

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỐ CỤC (BỐN PHẦN) CỦA
SÁCH GIÁO LÝ & CÁC NGHĨA CỦA THÁNH KINH


Để có thể thấy được mối liên hệ trên, trước hết, chúng ta cần xem lại bố cục của sách GLHTCG và các nghĩa của Thánh Kinh.

1. Bố cục và ý nghĩa của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (x. GLHTCG, 3)

Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo (như được thể hiện trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo) được trình bày xoay quanh bốn trục chính yếu: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN (chủ yếu dựa trên Kinh Tin Kính), CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KITÔ GIÁO (đặc biệt là bảy bí tích của Hội Thánh), ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KITÔ (cách riêng là Mười Điều Răn) và KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO (nhất là Kinh Lạy Cha).
Bốn phần trên liên kết với nhau cách một chặt chẽ, nhằm trình bày một cách trung thành và có hệ thống đạo lý của Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền, cùng những gia sản thiêng liêng của các Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các Thánh nam nữ trong Hội thánh, và qua đó, Hội thánh thực thi quyền và bổn phận được Đức Kitô ủy thác là loan báo và giúp cho dân Thiên Chúa hiểu biết mầu nhiệm Kitô giáo cách tốt hơn và làm cho đức tin của các tín hữu được kiện toàn, nghĩa là chẳng những tin mà còn yêu và luôn trung thành bước theo Đức Kitô.

2. Các nghĩa của Thánh Kinh (x. GLHTCG: 113-118)
Theo truyền thống cổ xưa, Hội Thánh ghi nhận có bốn nghĩa của Thánh Kinh; đó là: Nghĩa văn tự, nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa dẫn đường. Và vào thời Trung cổ, một câu thơ đã được sáng tác nhằm diễn tả ý nghĩa của từng nghĩa này như sau: “Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới.”
Nếu như có một sự liên hệ chặt chẽ giữa bốn phần của sách GLHTCG (như được nói trên), thì cũng có một sự hòa hợp sâu sắc giữa các nghĩa của Thánh Kinh, nhờ đó giúp cho việc đọc Thánh Kinh được sống động và tiếp cận tất cả sự phong phú của nó. Quả vậy, qua việc đọc Thánh Kinh, ta không chỉ có thể nhận ra những công trình kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử nhân loại (như chính từng từ của Thánh Kinh nói lên – nghĩa văn tự, hay nghĩa đen) mà còn giúp ta hiểu các biến cố ấy một cách sâu xa hơn khi nhận ra ý nghĩa của chúng trong Đức Kitô (nghĩa ẩn dụ).
Thí dụ: cuộc vượt qua Biển đỏ là dấu chỉ của Bí tích Rửa tội, dấu chỉ chiến thắng của Đức Kitô; Manna được ban trong sa mạc báo trước mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể; câu chuyện con con rắn đồng báo trước mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô, v.v. Và hiển nhiên, việc chiêm ngắm các biến cố được thuật lại trong Thánh Kinh phải dẫn ta đến hành động chính trực, nghĩa là răn dạy và uốn nắn ta sống theo thánh ý của Chúa trong cuộc đời này (nghĩa luân lý), đồng thời hướng ta tới hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu trên Quê trời (nghĩa dẫn đường).
           
3. Mối liên hệ giữa các phần trong sách GLHTCG và các nghĩa của Thánh Kinh
      
Mối liên hệ giữa bố cục của sách GLHTCG và các nghĩa của Thánh Kinh được thể hiện rõ nét trong thứ tự và ý nghĩa của mỗi phần của sách giáo lý và mỗi nghĩa của Thánh Kinh. Quả vậy, nếu như nội dung đức tin được trình bày xoay quanh bốn phần, thì Thánh Kinh cũng gồm bốn nghĩa. Nghĩa thứ nhất của Thánh Kinh được xếp ngang hằng với Kinh Tin Kính (phần thứ nhất của sách giáo lý). Cả hai yếu tố này đều có nghĩa diễn tả những sự thật đã (hoặc sẽ) xảy ra (phán xét chung, sự sống lại của thân xác) trong lịch sử cứu độ. Và nếu như nghĩa văn tự là nghĩa nền tảng, được trình bày trước các nghĩa khác của Thánh Kinh, thì Kinh Tin Kính cũng phải được trình bày trước các phần khác trong sách giáo lý. Thật vậy, giả như không có nghĩa văn tự thì không thể có các nghĩa khác của Thánh Kinh; tương tự, nếu không có đức tin như được trình bày trong Kinh Tin Kính, thì cũng không thể có phần giáo lý về các bí tích và các nhân đức Kitô giáo, v.v.
Nghĩa thứ hai của Thánh Kinh (nghĩa ẩn dụ) được coi là tương hợp với phần thứ hai của sách giáo lý (cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, đặc biệt là bảy bí tích). Quả vậy, nếu việc đọc Thánh Kinh giúp người ta nhận biết Chúa Kitô, vì Thánh Kinh làm chứng về Người (x Ga 5,39), thì đức tin, được trình bày qua Kinh Tin Kính, dẫn người ta tới gặp gỡ Chúa Kitô, đặc biệt qua các bí tích được cử hành, nhất là Bí tích Thánh Thể. Cũng vậy, nghĩa thứ ba của Thánh Kinh (nghĩa luân lý) thì tương đương với phần thứ ba của sách giáo lý, vì cả hai điều này dạy người ta về đời sống luân lý, hướng dẫn và xây đắp đời sống của Kitô hữu theo lời dạy và mẫu gương của Đức Kitô. Và nghĩa thứ tư của Thánh Kinh (nghĩa dẫn đường) thì tương đương với phần thứ tư của sách giáo lý (Kinh nguyện Kitô giáo, nhất là Kinh Lạy Cha). Cả hai hướng tâm hồn Kitô hữu trông chờ và nuôi dưỡng niềm hy vọng được gặp Chúa diện đối diện trong Nước Trời sau này.

Kết luận:
           
Có một mối liên hệ mật thiết giữa bốn phần của sách giáo lý và các nghĩa của Thánh Kinh. Nội dung giáo lý và Thánh Kinh không thể tách rời nhau. Quả vậy, qua công việc giáo lý, Hội Thánh thực thi quyền và bổn phận huấn giáo của mình; đang khi đó, nguồn của giáo lý lại là Thánh Kinh, như được gìn giữ và lưu truyền một cách đầy đủ và chính xác trong truyền thống sống động của Hội thánh. Hiểu được các nghĩa của Thánh Kinh, các phần của sách giáo lý, cũng như thứ tự của nó có thể giúp ta sống đức tin cách vững vàng và trưởng thành hơn.

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution