Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Lịch Sử Cứu Độ, Bài 8Bài 8

PHỤC HƯNG CỘNG ĐOÀN DO THÁI VÀ NHỮNG CHUẨN BỊ CUỐI CÙNG
(Sách Edra, Khacgai và Zacaria)

Bài trước chúng ta đã thảo luận về thời gian lưu đày vừa như một hình phạt của tội lỗi mà Thiên Chúa dành cho dân bất trung, bội tín của Ngài vừa như một thử thách hữu ích. Hồi Hương được trình bày như một cuộc xuất hành mới mà Thiên Chúa qua việc tác động trên Vua Cyro, dẫn dân Ngài từ đất lưu đày trở về Đất đã được hứa ban. Bài này thảo luận thế nào việc những người hồi hương phục hưng quốc gia và tôn giáo của họ, những thanh luyện cuối cùng và giai đoạn chót của mạc khải Cựu Ước.

1. PHỤC HƯNG CỘNG ĐOÀN DO THÁI
a. Phục hưng quốc gia

- Sau sắc chỉ của Vua Cyro, không phải tất cả dân Israel bị lưu đày đều trở về quê hương. Không ít người trong số họ đã tìm thấy cuộc sống của mình trên miền đất mới nên họ không tham gia đoàn người hồi hương.

- Những người hồi hương mang theo ước mong phục hưng lại quốc gia, dân tộc và tôn giáo của họ.

- Lịch sử ghi lại 3 đợt hồi hương:

Đợt 1 xảy ra vào năm 538 ngay sau khi sắc chỉ của Cyro được ban hành, dưới sự hướng dẫn của Zorobabel và một nhóm nhỏ (Edra 1,5-2,67). Công việc của nhóm này, trước hết, xây một bàn thờ để tái lập lại các hy lễ công khai dâng lên Giavê Thiên Chúa. Hai năm sau, họ bắt đầu tái thiết đền thờ nhưng công việc dường như không đạt kết quả mong muốn (Edra 3) do những khó khăn cả bên ngoài và bên trong (xem Khacgai 1,4; Edra 4,1; 2 V 17,24-28)[1].

Đợt 2 và 3 vào khoảng năm 520 TCN được dẫn dắt bởi Zerubabbel, một viên chức chính quyền và thượng tế Joshua, được trợ giúp bởi hai ngôn sứ là Khacgai và Zacaria (Edra 5,1), họ tiếp tục công việc tái thiết đền thờ. Kết quả đền thờ đã được hoàn tất và cung hiến vào năm 515 TCN[2]. Sau đó, tường hành Giêrusalem cũng được hoàn thành dưới sự giúp đỡ của một quan chức dưới triều vua Artaxerxes II là Nêhêmia. Công cuộc tái thiết đất nước đã hoàn tất tốt đẹp.

b. Cuộc Phục Hưng tôn giáo do Edra và Nơkhêmia thực hiện: tập trung vào việc học biết và thực hành lề luật; các sinh hoạt phụng vụ trong các cộng đoàn, đặc biệt phụng vụ hội đường; giữ luật ngày Sabat, các vấn đề liên quan đến hôn nhân dị giáo, khác đạo (Edra 9,1-4; 10,1-44; Ne 10,31). Đặc biệt hơn cả là việc thiết lập Thượng Hội Đồng Tối Cao bao gồm Thượng Tế, Kinh Sư và Kỳ Lão để lãnh đạo cộng đoàn.

Tuy được tự do về tôn giáo, dân Do Thái vẫn lệ thuộc đế quốc Ba Tư về phương diện chính trị mãi tới năm 331 khi đế quốc Hy Lạp kiểm soát vùng đất của họ.

2. THỬ THÁCH CUỐI CÙNG

a. Thảm họa mất đạo
Bắt đầu từ năm 198 TCN, sau khi dòng họ Xơlucô đánh bại dòng Ptolemeo[3], đã thực hiện chính sách Hy Lạp hóa. Lợi dụng sự chia rẽ giữa thành phần theo Hy Lạp và những người trung thành với tôn giáo và lề luật của cha ông, Antiocho Epiphane 4 (175-164) đã thực hiện cuộc bách hại tàn khốc: mở đầu bằng việc cướp của đền thờ (1 Mac 1,16), dâng kính đền thờ ở Garizin và Giêrusalem cho thần Zeus; cấm dân cắt bì; bắt dân phạm lỗi ngày Sabat và luật Môsê. Hơn nữa, Antiocho cho dựng tượng thần trên bàn thờ tế lễ và các nơi công cộng trên đất Do Thái và bắt dân dâng cúng thần ngoại. Ông cũng ra lệnh xé và đốt sách Luật. Bất cứ ai vi phạm sẽ bị giết chết (2 Mac 10,5). Sách Macabe cho thấy tinh thần đức tin của dân Chúa: sẵn sàng chết để trung tín với lề luật và truyền thống của cha ông (2 Mac 6,18-31; 7,1-42).

b. Cuộc kháng cự vũ trang
Ban đầu là tư tế Matthia, nhưng nổi bật hơn cả là anh em dòng họ Macabe. Giuđa Macabe dành chiến thắng, tiến vào Giêrusalem và dâng lễ thanh tẩy đền thờ sau 2 năm kháng cự vũ trang. Gionathan tiếp tục cuộc chiến sau khi Giuđa Macabe tử trận và đảm nhận chức Thượng tế và lãnh đạo cộng đoàn. Ông mở rộng bờ cõi và xây dựng lại đất nước trước khi tử trận vào 143. Simon tiếp tục đưa đất nước tới sự tự do hoàn toàn mãi cho đến năm 63 TCN, khi Pompe đem quân tiến vào Palestine để giải quyết tranh chấp nội bộ giữa những người Biệt Phái và Nhóm Saduceo và kết thúc quyền tự do chính trị của cộng đoàn Do Thái.

3. NHỮNG CHUẨN BỊ CUỐI CÙNG

a. Giá trị và giới hạn của lề luật
Ơn cứu độ là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa chứ không là kết quả của việc suy tôn hay thực thi lề luật. Lề luật để giúp con người đi sâu hơn vào mối quan hệ giao ước với Thiên Chúa như là “Chúa của dân và dân là dân của Người”  và với người khác như anh em, bởi đó, khi con người quá chú trọng vào lề luật, coi lề luật như cứu cánh của đời sống đức tin, họ sẽ không thể đạt tới sự công chính hoàn hảo là chính Thiên Chúa.

Cũng vậy, coi việc thực thi lề luật là phương thế đạt tới ơn cứu độ, con người có nguy cơ quên mất hồng ân nhưng không và lòng từ bi xót thương của Thiên Chúa. Chính nhờ những suy tư của các bậc khôn ngoan sau thời lưu đày đã đưa tâm hồn và nguyện vọng của dân đi xa hơn những giới hạn của lề luật để đạt tới sự công chính và lòng từ bi của Thiên Chúa.  

b. Vấn đề thưởng phạt và sự sống đời sau
Đây là một tiến trình dài và có thể chia thành các giai đoạn như sau:

Ban đầu người Do Thái chưa tin có sự thưởng phạt đời sau. Với họ, sự thưởng phạt của Thiên Chúa diễn ra ở ngay đời này và là sự thưởng phạt tập thể (Xh 20,5; Ds 16,32; 2 Sm 24; Gs 9). Bởi thế, mọi người, không phân biệt kẻ lành người dữ, sau khi chết đều ở một nơi gọi là Sheol (Gv 9,10). Người khổ cực coi đây như một sự giải thoát, trong khi người công chính đau khổ vì mình không còn được ca tụng Thiên Chúa nữa (Tv 6,6; 115,17; 88,11-13). Tuy nhiên, quan niệm này đối diện với vấn nạn rằng tại sao những người công chính lại bị chết sớm, ví dụ, cái chết của vua Giosia (2 Sb 35,20) trong khi kẻ gian ác lại được sống hạnh phúc (Khabacuc 1,13).

Sự thưởng phạt bây giờ là cá thể và thực hiện ở đời này. Hai tiên tri (Gr 31) và (Ed 18) đã loan báo về một sự thưởng phạt cá nhân ngay ở đời này. Tuy nhiên, sách các Thánh vịnh 128; 112; 127; sách Giop 21,7-15 và Giảng viên 8,14 và 9,2 chỉ cho thấy những người công chính lại chịu đau khổ, bách hại và cái chết trong khi kẻ dữ lại được hạnh phúc và phú quý giàu sang.

Câu trả lời cuối cùng chính là đau khổ, bất hạnh của người công chính và hạnh phúc, giàu sang của kẻ ác chỉ là chóng qua ở đời này. Sự thưởng phạt công bình tuyệt đối không ở đời này nhưng ở đời sau. Người công chính sẽ được ban thưởng hạnh phúc đời sau còn kẻ gian ác sẽ bị khốn khổ trong “địa ngục” (Hades) (xem các sách Thánh Vịnh, Macabe, Đaniel và Khôn Ngoan).

Kết luận
Cộng đoàn Do Thái sau hồi hương được củng cố không chỉ bởi kinh nghiệm lưu đày mà còn được trải qua thử thách, bách hại tàn khốc dưới ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Hơn thế nữa, nhờ tiếp cận với văn hóa và sự khôn ngoan của Hy Lạp, niềm tin vào sự thưởng phạt của dân Chúa đã đạt tới đỉnh cao của nó. Tất cả mọi chuẩn bị dường như đã sẵn sàng để “thời viên mãn” như ánh bình minh đã ló rạng và Mặt Trời Công Chính từ chốn cao vời viếng thăm và cứu chuộc nhân loại.




[1] Một vài người hồi hương bận tâm với những nhu cầu và sự thoải mái của họ hơn là việc tái thiết đền thờ. Cũng có những chống đối từ dân địa phương. Một nhóm quan trọng của những người hồi hương tuyên bố rằng công việc tái thiết đền thờ đã có sự trợ giúp của Cyro và Cambyses. Nhóm khác được nhận dạng như “những đối thủ của Giuđa và Bengiamin (Edra 4,1) đã dâng tặng sự giúp đỡ của họ, khẳng định rằng họ cũng đã là những người tôn thờ Yahweh, mặc dù họ đã định cự ở Miền Bắc Israel (2 V 17,24-28) bởi người Assiry, tuy nhiên, dâng tặng của họ bị từ chối dứt khoát. Nhóm thứ ba được mệnh danh “những con người của đất”, một kiểu nói trong khoảng thời gian này dùng để chỉ những người Giuđa không bị đưa đi lưu đày. Họ cố gắng dùng ảnh hưởng của mình với triều đình Ba Tư để phá vỡ công cuộc tái thiết (The Old Testament: A historical, literary Introduction to the Hebrew Scriptures, Michael Coogan, 416-417).

[2] Đền thờ này thường được gọi là đền thờ thứ hai (Second Temple) và “Khoảng thời gian của đền thờ thứ hai” trong lịch sử Do Thái kéo dài từ thế kỷ 6 TCN đến năm 70 SCN – khi đền thờ Giêrusalem bị tàn phá. Đền thờ đầu tiên được xây dựng bởi vua Salomon vào năm 966 và bị phá hủy bởi vua Nabucodonosor vào năm 587 TCN. Hêrôdê Cả (37-4) đã cho kiến thiết lại cung thánh và tiền đường vào năm 20-19 trước khi nó bị thiêu cháy bới quân lính Roma vào năm 70 SCN.

[3] Ban đầu, người Do Thái nằm dưới sự kiểm soát của dòng họ Ptolemeo (323-200). Người Do Thái vẫn được tự do về tôn giáo như trước đây. Trong khi dòng họ Xơluco lại thực hiện chính sách Hy Lạp hóa – bắt những dân lệ thuộc phải từ bỏ nhận dạng của họ để sống như một người Hy Lạp, kể cả mặt tôn giáo.


Lm Augustino Nguyễn Đức Lợi

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 10.2017

Bài số 12

NHIỆM VỤ CƠ BẢN THỨ SÁU CỦA GLV:
KHAI TÂM CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

1. Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh
Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (x. 1 Tm 2,3-4). Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-17; Mt 28,19-20).
Loan báo Tin Mừng là loan báo Đức Giêsu Kitô. Ngài chính là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Chính sứ thần của Chúa đã nói với các mục đồng rằng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân; hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Ngài là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
Khi đi rao giảng, bởi vậy, các Tông đồ chỉ nhằm giúp người ta tin vào Đức Giêsu:  “Vậy toàn thể nhà It-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô… Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội…” (Cv 2,35-37). Cũng thế, khi viết Tin Mừng thành sách, các tác giả cũng chỉ nhằm một mục đích trên: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1); hoặc: “Những điều ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và khi anh em tin thì anh em được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31).

2. Việc dạy giáo lý phải được đặt trong viễn tượng loan báo Tin Mừng
Hội Thánh thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng bằng nhiều hình thức khác nhau (nhưng liên kết chặt chẽ với nhau), như: loan báo, làm chứng, huấn giáo, các bí tích, yêu tha nhân, thâu nạp môn đệ … (HDTQDGL 1997,46), và việc dạy giáo lý là một trong những hoạt động nhằm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng (HDTQDGL 2017, 36).
Thật vậy, “mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại” (HDTQDGL 2017, 39).
Qua việc dạy giáo lý, vì thế, GLV không những có nhiệm vụ giúp các em biết Chúa Kitô, mà còn phải liệu sao cho tinh thần của Tin Mừng được thấm nhập vào mọi chiều kích cuộc sống (x. Ad Gentes, 21), và cần khuyến khích các em kể câu chuyện về Chúa Giêsu cho người khác. Và đó là sứ mạng thiêng liêng, cao cả của GLV, vì “giúp người khác biết và mến Chúa mỗi ngày một hơn là một trong các khía cạnh hứng thú nhất của việc giáo dục.” 1

3. Nhưng, làm sao GLV có thể chu toàn nhiệm vụ trên? 
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chỉ cho chúng ta một bí quyết: Cần cố gắng trở nên “là” những giảng viên giáo lý, hơn là “làm” giảng viên giáo lý.
Ngài nói: “Là” giảng viên giáo Lý! Không “làm việc” như giảng viên giáo lý: việc này không ích lợi gì. Tôi làm việc như một giảng viên giáo lý vì tôi thích dạy [giáo lý]… Nhưng nếu không “là” giảng viên giáo lý, thì các con chẳng ích lợi gì! Các con sẽ không thành công… các con không đem lại hoa trái gì! Giáo lý là một ơn gọi: “là một giảng viên giáo lý”, đó là một ơn gọi, chứ không phải làm việc như một giảng viên giáo lý. Bởi thế, các con hãy ghi nhớ: cha không nói phải làm công việc của giảng viên giáo lý, nhưng phải “là” các giảng viên giáo lý, vì đây là một điều bao trùm trọn cả cuộc sống ta. Nó có nghĩa dẫn người ta tới gặp gỡ Chúa Kitô bằng lời và bằng cuộc sống ta, qua việc làm chứng […].”
“Là giảng viên giáo lý có nghĩa làm chứng cho đức tin, nhất quán trong cuộc sống bản thân của ta. Điều này không dễ! Ta giúp, ta dẫn người khác tới Chúa Giêsu bằng lời nói và cuộc sống ta, bằng chứng tá của ta. Cha thích nhắc lại điều thánh Phanxicô thành Assidi hay nói với các tu sĩ của ngài: “Hãy luôn rao giảng Tin Mừng; nếu cần, dùng lời lẽ”. Lời sẽ đến… nhưng chứng tá phải đến đầu tiên: người ta nên nhìn thấy Tin Mừng, đọc Tin Mừng trong cuộc sống ta. “Là” giảng viên giáo lý đòi phải có tình yêu, một tình yêu luôn lớn hơn đối với Chúa Giêsu, một tình yêu đối với dân thánh của Người. Và tình yêu này không thể mua ở các cửa tiệm, dù là tại Rôma. Tình yêu này phát xuất từ Chúa Kitô! Nó là hồng ân của Chúa Kitô! Và nếu phát xuất từ Chúa Kitô, nó cũng khởi đầu với Chúa Kitô, và ta cũng cần khởi đầu mới mẻ với Chúa Kitô, từ tình yêu Người dành cho ta.”
Và theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một trong những ý nghĩa của việc khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô là “gần gũi với Người”; “liên tục gắn bó với Người, ở trong Người, ở với Người, chuyện vãn với Người.” Và nhờ được kết hợp với Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho, chúng ta sẽ có khả năng đâm trái đâm bông.2

Kết luận:
Hội Thánh hiện hữu là để truyền giáo, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mc 16,16,15; Mt 28,19-20; GLHTCG, 849). Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của Hội Thánh, như Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16); “Ước gì tôi chẳng hạnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14); Miễn sao Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18).
Là những GLV, qua mỗi lớp giáo lý, xin đừng quên nhắc nhở các em rằng truyền giáo là sứ mạng của mọi Kitô hữu; nhờ đó, ngay từ thuở nhỏ và trong những điều kiện giới hạn của mình, các em có thể bắt đầu ý thức bổn phận phải giới thiệu cho người khác biết về Chúa Giêsu, và cùng nhau tin yêu Ngài, bước theo Ngài để được ơn cứu độ, được sống đời đời.

Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution