Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 8.2017

Bài 10

NHIỆM VỤ CƠ BẢN THỨ TƯ CỦA GLV:
DẠY CẦU NGUYỆN


I. Dạy cầu nguyện là bổn phận quan trọng của GLV.
Theo sự hướng dẫn của Hội Thánh,“việc dạy giáo lý cho thiếu nhi, thiếu niên và người trưởng thành đều phải hướng tới việc suy gẫm Lời Chúa trong kinh nguyện cá nhân, được hiện tại hóa trong kinh nguyện phụng vụ, và được nội tâm hóa trong mọi lúc, để sinh hoa kết quả trong một đời sống mới” (GLHTCG, 2688).
 Hội Thánh xem việc dạy cầu nguyện cũng quan trọng như bổn phận giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, và huấn luyện luân lý vì thấy rằng “khi việc dạy giáo lý được thực hiện trong bầu khí cầu nguyện thì việc tập sống đời Kitô hữu đạt được tất cả chiều sâu của nó” (Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý, 85).
Quả vậy, nhờ được chìm sâu trong bầu khí cầu nguyện mà việc tuyên xưng đức tin (Phần I: Tuyên Xưng Đức Tin), việc cử hành mầu nhiệm đức tin (Phần II: Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo) và sống đức tin của chúng ta (Phần III: Đời Sống Trong Đức Kitô) có thể dẫn chúng ta “bước vào mối tương quan sống động, thân tình, và có quan hệ tâm giao với Chúa Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa ở mọi nơi mọi lúc trong suốt cả cuộc đời” (Youcat, Dẫn Nhập Vào Phần IV, 1, Trg 341).

II. Nhưng, cầu nguyện là gì?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Cho Người Trẻ (YOUCAT) cho chúng ta câu trả lời thật ý nghĩa và dễ hiểu: “Cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa. Khi một người cầu nguyện, họ đi vào trong sự liên kết sống động với Thiên Chúa ngay từ đời này, để mai sau được liên kết mặt đối mặt với Người”.
Và Youcat giải thích thêm: “…Người cầu nguyện không sống bởi chính mình, cho mình, và chỉ cậy dựa vào chính mình. Họ biết rằng có Thiên Chúa, Thiên Chúa đang ở đó, và ta có thể nói với Người. Người cầu nguyện càng ngày càng tin tưởng vào Chúa. Họ tìm ngay từ bây giờ để có được mối quan hệ và một ngày kia sẽ được đối mặt với Thiên Chúa. Vì thế đời sống Kitô hữu đòi hỏi họ phải cố gắng cầu nguyện mỗi ngày. Nói cho đúng, cầu nguyện không thể học được như ta học một kỹ thuật. Cầu nguyện thật lạ lùng quá đỗi, cầu nguyện là quà tặng ta nhận được từ Thiên Chúa (Youcat, 469; X. GLHTCG: 2558-2565).
Dựa vào gương cầu nguyện của các nhân vật quan trọng trong lịch sử cứu độ (như: Abraham, Môisen, các Tiên tri, các tác giả Thánh vịnh, Đức Maria, và trên hết là Chúa Giêsu), dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh cung cấp cho chúng ta 5 hình thức cầu nguyện, gồm: “chúc tụng, cầu xin, chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi” (GLHTCG, 2644; X. Youcat, Dẫn Nhập Vào Phần IV, 1). Và qua 5 hình thức cầu nguyện này, Kitô hữu có thể liên kết, hiệp thông với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta.

Cầu nguyện, vì thế, gắn liền với đời sống của chúng ta. Như “con người cần hít thở, ăn uống, yêu thương để sống, Kitô hữu cần cầu nguyện để được thanh tẩy, được sức chống lại cám dỗ, được mạnh mẽ khi yếu đuối, được thoát mọi nỗi sợ, được tăng cường sinh lực, và được hạnh phúc” (Youcat, Dẫn Nhập Vào Phần IV, 1/).
Bên cạnh 5 hình thức cầu nguyện trên, Hội Thánh còn chỉ ra những hình thức biểu lộ tâm tư nguyện cầu của chúng ta, tựa như 3 nẻo đường để hướng lòng ta về với Chúa, gồm: khẩu nguyện (cầu nguyện bằng lời nói); trí nguyện (cầu nguyện bằng suy nghĩ trong trí), và tâm nguyện (cầu nguyện bằng con tim). Nhờ những nẻo đường này mà Kitô hữu “có thể tiếp xúc, trao đổi, gắn bó, và hiệp thông với Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi lúc” (Youcat, Dẫn Nhập Vào Phần IV, 3/).

III. Làm sao giúp các em yêu mến việc cầu nguyện?
Ngoài tác động của Chúa Thánh Thần (Đấng là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện) và gương sáng về đời sống cầu nguyện của mình, GLV cần giúp các em nhận ra tầm quan trọng của việc cầu nguyện: Cầu nguyện giúp người Kitô hữu được hiệp thông với Thiên Chúa ngay từ cuộc sống đời này; và sự liên kết sống động với Chúa ở đời này giúp Kitô hữu được hiệp thông với Người ở đời sau.
Chỉ cho các em thấy rằng: người ta thường hãnh diện và hạnh phúc khi được kết thân với người này người kia, nhất là những người có thế giá, địa vị trong xã hội. Được liên kết mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, vì thế, phải được coi là một niềm an ủi và hạnh phúc lớn lao cho ta, vì đối tượng ta đang liên kết sống động là chính Chúa: Chúa các chúa, Vua các vua. Biết Chúa và được thưa chuyện với Chúa là hồng ân Chúa ban, vì nếu Chúa không mời gọi, với bản tính con người yếu đuối, tội lỗi và bất xứng, không ai có thể nâng tâm hồn lên với Chúa và hiệp thông với Người được.
Từ đó, GLV cần giúp các em ý thức rằng: sống trên đời này, để cuộc sống được thêm phần phong phú, người ta cần thiết lập các mối quan hệ xã hội, như bản tính con người đòi hỏi. Tuy nhiên, việc liên kết, hiệp thông với Chúa luôn cần phải được xem là mục tiêu trước hết và trên hết của mọi Kitô hữu, vì chính Chúa đã phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Việc cầu nguyện thường xuyên giúp ta được lưu lại trong Chúa.

Ghi chú:
Theo sự chỉ dạy của Hội Thánh, “việc dạy giáo lý cũng là lúc để […] giáo dục đạo đức bình dân. Việc học thuộc lòng các kinh căn bản rất cần cho đời sống cầu nguyện; nhưng điều quan trọng là phải giúp người ta cảm nhận được ý nghĩa của những lời kinh này (GLHTCG, 2688), đặc biệt là Kinh Lạy Cha, “vì không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không chứa đựng và bao gồm” (Thánh Augustinô, GLHTCG, 2762). Ngoài ra, GLV cũng cần giúp các em nắm vững truyền thống cầu nguyện bằng những lời kinh bất hủ của Hội Thánh tại Việt Nam (Youcat, Dẫn Nhập Vào Phần IV, 2/).
GLV nên chịu khó học hỏi và nắm vững ý nghĩa sâu sắc và hiện sinh (nghĩa là gắn liền với đời sống) của việc cầu nguyện, bằng việc đọc trực tiếp tiếp các bản văn giáo lý về kinh nguyện Kitô giáo, như được trình bày trong các sách giáo lý: GLHTCG, TYGLHTCG, hoặc Youcat.

Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú 


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution