Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 11.2016

Bài 3

ĐẶC TÍNH QUY KITÔ TRONG HUẤN GIÁO


1.     “Qui Kitô” là gì?

-         “Qui Kitô” là một thuật ngữ có tính chuyên môn, được sử dụng cách đặc biệt  trong lãnh vực huấn giáo, nhằm chỉ ra một nguyên tắc quan trọng là: trong việc dạy giáo lý, ta phải để Chúa Giêsu Kitô ở vị trí trung tâm, như tâm điểm của một vòng tròn. Mọi yếu tố yếu tố khác, (từ nội dung, phương pháp đến mục đích) phải qui chiếu và hướng về Người.

-         Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ: "Ở trung tâm của việc dạy giáo lý, chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Đức Giêsu Kitô Nazareth, Con Một của Chúa Cha … Người đã chịu khổ hình và chịu chết vì chúng ta; và Người, từ khi sống lại, luôn luôn sống với chúng ta…”

-         “Dạy giáo lý là giúp người ta nhận ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là tìm hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của đức Kitô, và các dấu lạ người đã thực hiện, [nhằm] dẫn đưa con người đến hiệp thông với chúa Giêsu Kitô” (GLHTCG, 1992, 426).


2.     Tại sao phải qui về Chúa Kitô?

-         Vì chỉ một mình Người mới dẫn ta đến tình yêu Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và cho ta thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh" (GLHTCG, 426).

-         Chính Chúa Giêsu đã phán: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga.6,40). 


-         Ngoài Chúa Giêsu, không ai có thể mang lại cho con người ơn cứu độ  (CV. 4,12). Và, vì như Thánh Gioan quả quyết: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga.20:30-31).


3.      Vì vậy, cần ghi nhớ:

- “Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô, là Ngôi Lời Nhập Thể và là Con Thiên Chúa” (GLHTCG, 427). Về điểm này, giáo lý viên cần cố gắng chỉ cho các em biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Đây là việc làm rất quan trọng. Đồng thời, giúp các em tin yêu Người, bằng việc khuyến khích các em năng tìm hiểu Chúa trong Thánh Kinh, gặp gỡ Chúa qua việc cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, cố gắng sống theo lời Chúa dạy, và siêng năng cầu nguyện.

 - “Trong việc dạy giáo lý […] chỉ một mình Đức Ki-tô giảng dạy, còn bất cứ ai khác giảng dạy đều phải là phát ngôn viên của Người, phải để Đức Ki-tô nói qua miệng lưỡi họ... mọi giáo lý viên đều phải có thể áp dụng cho mình lời nói huyền nhiệm này của Đức Giê-su : ‘Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi’"(GLHTCH, 426).

 - “Người nào được mời gọi "giảng dạy về Đức Ki-tô" trước hết phải tìm "mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô"; phải "mất hết ... để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người" (GLHTCG, 428). Thực tế cho thấy tham gia vào việc dạy giáo lý đòi hỏi giáo lý viên phải có những hy sinh nhất định, nhiều khi rất lớn lao. Nhưng vì lòng yêu mến Đức Kitô và phần rỗi các linh hồn, chúng ta hãy tích cực quảng đại tham gia với Mẹ Hội Thánh trong sứ vụ cao cả và rất quan trọng này.

Mong mỗi giáo lý viên chúng ta có tâm tình như Thánh Phaolô: “Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng” (Pl 1,18).  


 Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution