Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 9.2016


Bài 1

VAI TRÒ MỤC VỤ GIÁO LÝ
TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA HỘI THÁNH

1.   Mục vụ giáo lý đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh.
            -  Chính Hội Thánh đã thừa nhận: “Những thời kỳ Hội Thánh được canh tân cũng là những thời kỳ mạnh mẽ về việc dạy giáo lý” (GLHTCG, 8).
            - Ta có thể nhận ra sự thật trên tại các giáo xứ. Giáo xứ nào có mục vụ giáo lý tốt, thì như một hệ quả, đời sống đạo của các tín hữu nơi giáo xứ đó có phần sống động, sâu sắc, vững vàng.
- Việc dạy giáo lý tác động cách tích cực đến đời sống đạo của các tín hữu, vì “dạy giáo lý là giáo dục đức tin […] nhằm dẫn đưa tín hữu đến cuộc sống Kitô hữu viên mãn” (GLHTCG, 5):
Nghĩa là, không chỉ để giúp người ta tin vào Chúa Kitô (Tuyên Xưng Đức Tin - Phần I - GLHTCG), việc dạy giáo lý còn dẫn đưa các tín hữu đến với các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, để gặp gỡ và hiệp thông với Người (Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo – Phần II - GLHTCG),đồng thời khuyến khích tín hữu diễn tả niềm tin của mình cách sống động qua việc thực hànhcác giới luật của Chúa, nhất là luật bái ái yêu thương (Đời Sống Trong Đức Kitô – Phần III - GLHTCG), và kết hợp liên lỉ với Người qua đời sống cầu nguyện (Kinh Nguyện Kitô Giáo – Phần IV - GLHTCG).

2.   Vì thế, Hội Thánh luôn dành cho tác vụ dạy giáo lý một sự quan tâm đặc biệt.
-          Ta có thể thấy sự quan tâm đặc biệt này qua các công đồng Triđentinô, Vaticanô II, và các văn kiện hậu công đồng.
-          Các văn kiện quan trọng (sau Công đồng Vaticanô II) liên quan trực tiếp đến giáo lý gồm:
·         Chỉ thị tổng quát về việc dạy giáo lý (1971),
·         Tông huấn Loan báo Tin mừng (1975),
·         Tông huấn Dạy giáo lý (1979) (X. GLHTCG, 10).
-       Nên ghi nhận:  Việc dạy giáo lý đã được thực hiện từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay, vì: “Từ rất sớm, thuật ngữ Dạy Giáo Lý đã được dùng để gọi toàn bộ các nỗ lực của Hội Thánh nhằm đào tạo các môn đệ, nhằm giúp người ta tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và nhờ tin như vậy mà được sống nhờ danh Người, nhằm giáo dục và huấn luyện họ trong cuộc sống đời này, và như vậy, xây dựng Thân Thể Đức Kitô” (GLHTCG, 4); nhưng mãi tới sau Công đồng Triđentinô (1545-1563), Hội Thánh mới cho ra đời cuốn sách giáo lý đầu tiên (trong đó, nội dung đức tin được sắp xếp một cách có tổ chức và hệ thống), được gọi là Sách Giáo Lý Rôma.
Tính đến nay, Hội Thánh Công Giáo đã ban hành những sách giáo lý sau:
·         Sách Giáo Lý Rôma (1566)
·         Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992),
·         Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (2005),
·         YouCat (Sách Giáo Lý cho người trẻ - 2011),
·         DoCat (Sách Giáo Lý cho người trẻ về học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo - 2016).

3.    Tham gia vào việc dạy giáo lý là tham gia vào sứ vụ quan trọng của Hội ThánhTiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô.
            -  Hãy quí trọng và yêu mến công việc giáo lý, vì: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin mừng” (Rm 10, 15);
            -  Hết lòng cộng tác và giúp đỡ Cha xứ trong mục vụ giáo lý;
            -  Siêng năng trau dồi kiến thức giáo lý, nhất là cố gắng uốn nắn đời sống mình sao cho phù hợp với lời mình giảng dạy.

Xin cám ơn và mến chào,
  
Hẹn gặp lại các bạn ở đề tài sau: Mục Đích Và Mối Liên Hệ Giữa Các Sách Giáo Lý (nói trên).


Thân mến,

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution