Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

CÙNG HỌC GIÁO LÝ - THÁNG 9.2017

Bài 11

NHIỆM VỤ CƠ BẢN THỨ NĂM CỦA GLV:
GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
  

I . Kitô hữu cần phải được giáo dục về đời sống cộng đoàn

    “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được hiệp thông với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại” (HDTQ 2017, 39).
Để đạt được mục đích tối hậu trên, qua việc dạy giáo lý, GLV cần giúp học viên của mình hiểu biết đức tin một cách có hệ thống, chính xác, đầy đủ; hiểu biết ý nghĩa và tham gia cách tích cực các cử hành phụng vụ thánh, nhất là Thánh lễ; thực hành các giới răn Chúa dạy trong đời sống hằng ngày; kết hợp mật thiết với Chúa bằng việc cầu nguyện liên lỉ, (như được trình bày từ bài 7 đến bài 10 trước đây).
      Ngoài những nhiệm vụ trên, theo hướng dẫn của Hội Thánh, GLV còn có bổn phận giáo dục các học viên của mình về đời sống cộng đoàn: “Đời sống Kitô hữu trong cộng đoàn không phải là ngẫu hứng nhưng phải được giáo dục cẩn thận” (HDTQ 1997, 86).

   II . Để trở nên một cộng đoàn hiệp thông và tham gia
    
         GLV cần giúp học viên xác tín rằng: qua Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được tháp nhập vào Đức Kitô, nhờ đó được trở nên con cái của Thiên Chúa và hiệp thông với thân thể Người, tức Hội Thánh (TYGLHTCG, 263). Chính trong sự hiệp thông này mà mỗi Kitô hữu có Thiên Chúa là Cha, có Hội Thánh là Mẹ và trở nên anh chị em của nhau. Không những thế, mỗi Kitô hữu còn được được lớn lên (nhờ Bí tích Thêm sức), được nuôi dưỡng (nhờ Bí tích Thánh Thể), và phong phú hóa nhờ các bí tích khác và toàn thể đời sống của Hội Thánh.
Như thế, nhờ sự hiệp thông với Hội Thánh Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Đó cũng chính là hoa trái, là kết quả của sự hiệp thông đức Tin, đức Cậy và đức Mến, hiệp thông Hội Thánh, yếu tố tạo nên chính bản tính của Hội Thánh (x.Tông Huấn Tại Á Châu, 25). Đức tin và đời sống của Kitô hữu, vì thế, dù mang tính cá vị, luôn phong phú, không bao giờ nghèo nàn, lẻ loi, cô đơn, như thực tế cho thấy: ta tuyên xưng đức tin như Hội Thánh tin; ta tham dự các cử hành mầu nhiệm thánh (Phụng vụ) như Hội Thánh cử hành; ta thực hành đời sống luân lý như Hội thánh dạy; và ta cầu nguyện như Hội Thánh cầu nguyện.
Dĩ nhiên, bên cạnh những quyền lợi được hưởng, nhờ sự hiệp thông Hội thánh, mỗi Kitô hữu cần ý thức về trách nhiệm của mình, bằng việc cố gắng tham gia, góp phần của mình vào việc xây dựng đời sống và sứ mạng của Hội Thánh, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II dạy: “Sự hiệp thông Giáo Hội bao hàm rằng mỗi Giáo Hội địa phương phải trở nên điều mà các Nghị phụ Thượng Hội Đồng gọi là "một Giáo Hội tham gia" (participatory Church), có nghĩa là một Giáo Hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi của riêng mình và chu toàn vai trò của mình” (Tông Huấn Tại Á Châu, 25).

 IIIMôi trường thể hiện đời sống cộng đoàn và những thái độ cần ghi khắc

Sự hiệp thông và tham gia với Hội thánh cần được thể hiện cách cụ thể và thiết thực tại môi trường sống, nơi mỗi cộng đoàn giáo điểm, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, bao quanh Vị Chủ Chăn của mình, vì “Hội Thánh chân nhận giá trị của những cộng đoàn Giáo Hội cơ bản như là một phương thức hiệu nghiệm để cổ võ sự hiệp thông và tham gia trong các Giáo xứ và Giáo phận, và như là một lực lượng đích thực cho việc rao giảng Tin Mừng. Những nhóm nhỏ này giúp người tín hữu sống thành những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu thời đầu (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các cộng đoàn này có mục đích là giúp đỡ các thành viên của mình sống Tin Mừng trong một tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, và do đó chúng là khởi điểm vững chắc để xây dựng một xã hội mới, một diễn tả của nền văn minh tình thương” (Tông Huấn Tại Á Châu, 25).
 Để có thể đạt được sự hiệp thông Hội thánh, bác ái huynh đệ, như Chúa Giêsu đòi hỏi: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), bên cạnh việc huấn luyện nhân bản và tu đức, GLV phải đặc biệt chú ý đến giáo huấn của Chúa Giêsu về đời sống cộng đoàn, đó là: sống tinh thần đơn sơ và khiêm nhường (Mt 18,3); biết quan tâm đến những người bé mọn nhất (Mt 18,6); lưu tâm cách riêng đến những người lầm lạc (Mt 18,12); biết sửa lỗi cho nhau (Mt 18,18,15); biết cầu nguyện chung (Mt 18,19); và biết rộng lòng tha thứ cho nhau (Mt 18,22).
Đang khi giáo dục về đời sống cộng đoàn, việc dạy giáo lý, dĩ nhiên, cũng phải chăm lo đến chiều kích đại kết. Bác ái huynh đệ, như Chúa đã dạy, cần được mở rộng đến những thành viên của các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác, vì tuy có những khác biệt về nội dung và cách thức tuyên xưng đức tin…vẫn có những điều thiện hảo chung, như: “Lời Chúa đã được ghi chép, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy, đức mến, và các ân huệ nội tâm khác của Chúa Thánh Thần” (HDTQ 1997, 86). Hơn nữa, chính Chúa Giêsu cũng đã muốn như thế: “Để họ được nên một” (Ga 17,22). Tuy nhiên, cần phải lưu ý điều này: “Việc dạy giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết trong mức độ nó biết khơi dậy và nuôi dưỡng ước muốn được hiệp nhất, không phải bằng một thái độ hòa giải dễ dãi, nhưng nhằm hiệp nhất hoàn toàn, khi Chúa muốn và bằng con đường Chúa muốn” (HDTQ 1997, 86).

Kết luận:

Giáo dục đời sống cộng đoàn là một trong sáu nhiệm vụ cơ bản của GLV. Về khía cạnh giáo dục này, điều quan trọng là GLV cần giúp học viên giáo lý nhận ra những quyền lợi và bổn phận của mình trong đời sống cộng đoàn của Hội thánh; đồng thời khơi dậy nơi họ tinh thần hiệp thông và tham gia với Hội thánh. Phải ưu tiên cỗ võ tinh thần và thái độ sống đời sống cộng đoàn mà Chúa Giêsu đã dạy, như được nêu trên. Hãy tập cho các em biết sống đời sống cộng đoàn (hiệp thông và tham gia) ngay từ những lớp học giáo lý vỡ lòng, bằng cách siêng năng thực thi những việc đơn sơ nhỏ bé, như: cầu nguyện, hy sinh, làm việc tông đồ; hăng hái tham gia vào các hội, như: giúp lễ, ca đoàn, hoặc Junior, …với tinh thần trách nhiệm. Thiết nghĩ, nếu ngay từ thưở nhỏ mà các em được huấn luyện như thế, thì khi lớn lên, các em sẽ dễ dàng tích cực hiệp thông và tham gia đời sống và sứ vụ của Hội thánh, để loan báo Tin mừng.

Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution