Bài số 12
NHIỆM VỤ CƠ BẢN THỨ SÁU
CỦA GLV:
KHAI TÂM CHO VIỆC TRUYỀN
GIÁO
1. Truyền giáo là sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh
Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (x. 1 Tm
2,3-4). Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi
khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu
phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-17; Mt 28,19-20).
Loan báo Tin Mừng là loan báo Đức Giêsu Kitô.
Ngài chính là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Chính sứ thần của Chúa đã nói
với các mục đồng rằng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là
tin mừng cho toàn dân; hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong
thành vua Đa-vít, Ngài là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
Khi đi rao giảng, bởi vậy, các Tông đồ chỉ
nhằm giúp người ta tin vào Đức Giêsu: “Vậy toàn thể nhà It-ra-en phải
biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã
đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô… Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy
chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội…” (Cv 2,35-37). Cũng
thế, khi viết Tin Mừng thành sách, các tác giả cũng chỉ nhằm một mục đích trên:
“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1); hoặc: “Những điều
ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và
khi anh em tin thì anh em được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31).
2. Việc dạy giáo lý phải được đặt trong viễn tượng loan báo Tin
Mừng
Hội Thánh thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng
bằng nhiều hình thức khác nhau (nhưng liên kết chặt chẽ với nhau), như: loan
báo, làm chứng, huấn giáo, các bí tích, yêu tha nhân, thâu nạp môn đệ …
(HDTQDGL 1997,46), và việc dạy giáo lý là một trong những hoạt động nhằm thi
hành sứ vụ loan báo Tin Mừng (HDTQDGL 2017, 36).
Thật vậy, “mục đích tối hậu của việc dạy giáo
lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông với Chúa
Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần,
với Hội Thánh, và với nhân loại” (HDTQDGL 2017, 39).
Qua việc dạy giáo lý, vì thế, GLV không những
có nhiệm vụ giúp các em biết Chúa Kitô, mà còn phải liệu sao cho tinh thần của
Tin Mừng được thấm nhập vào mọi chiều kích cuộc sống (x. Ad Gentes, 21), và cần
khuyến khích các em kể câu chuyện về Chúa Giêsu cho người khác. Và đó là sứ
mạng thiêng liêng, cao cả của GLV, vì “giúp người khác biết và mến Chúa mỗi
ngày một hơn là một trong các khía cạnh hứng thú nhất của việc giáo dục.” 1
3. Nhưng, làm sao GLV có thể chu toàn nhiệm vụ trên?
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chỉ cho chúng ta
một bí quyết: Cần cố gắng trở nên “là” những giảng viên giáo lý, hơn là “làm”
giảng viên giáo lý.
Ngài nói: “Là” giảng viên giáo Lý! Không “làm
việc” như giảng viên giáo lý: việc này không ích lợi gì. Tôi làm việc như một
giảng viên giáo lý vì tôi thích dạy [giáo lý]… Nhưng nếu không “là” giảng viên
giáo lý, thì các con chẳng ích lợi gì! Các con sẽ không thành công… các con không
đem lại hoa trái gì! Giáo lý là một ơn gọi: “là một giảng viên giáo lý”, đó là
một ơn gọi, chứ không phải làm việc như một giảng viên giáo lý. Bởi thế, các
con hãy ghi nhớ: cha không nói phải làm công việc của giảng viên giáo lý, nhưng
phải “là” các giảng viên giáo lý, vì đây là một điều bao trùm trọn cả cuộc sống
ta. Nó có nghĩa dẫn người ta tới gặp gỡ Chúa Kitô bằng lời và bằng cuộc sống
ta, qua việc làm chứng […].”
“Là giảng viên giáo lý có nghĩa làm chứng cho
đức tin, nhất quán trong cuộc sống bản thân của ta. Điều này không dễ! Ta giúp,
ta dẫn người khác tới Chúa Giêsu bằng lời nói và cuộc sống ta, bằng chứng tá
của ta. Cha thích nhắc lại điều thánh Phanxicô thành Assidi hay nói với các tu
sĩ của ngài: “Hãy luôn rao giảng Tin Mừng; nếu cần, dùng lời lẽ”. Lời sẽ đến…
nhưng chứng tá phải đến đầu tiên: người ta nên nhìn thấy Tin Mừng, đọc Tin Mừng
trong cuộc sống ta. “Là” giảng viên giáo lý đòi phải có tình yêu, một tình yêu
luôn lớn hơn đối với Chúa Giêsu, một tình yêu đối với dân thánh của Người. Và tình
yêu này không thể mua ở các cửa tiệm, dù là tại Rôma. Tình yêu này phát xuất từ
Chúa Kitô! Nó là hồng ân của Chúa Kitô! Và nếu phát xuất từ Chúa Kitô, nó cũng
khởi đầu với Chúa Kitô, và ta cũng cần khởi đầu mới mẻ với Chúa Kitô, từ tình
yêu Người dành cho ta.”
Và theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một trong
những ý nghĩa của việc khởi đầu mới mẻ từ Chúa Kitô là “gần gũi với Người”;
“liên tục gắn bó với Người, ở trong Người, ở với Người, chuyện vãn với Người.”
Và nhờ được kết hợp với Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho, chúng
ta sẽ có khả năng đâm trái đâm bông.2
Kết luận:
Hội Thánh hiện hữu là để truyền giáo, theo
lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mc 16,16,15; Mt 28,19-20; GLHTCG, 849). Đó cũng là
nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của Hội Thánh, như Thánh Phaolô đã nói:
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16); “Ước gì tôi chẳng
hạnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14);
Miễn sao Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18).
Là những GLV, qua mỗi lớp giáo lý, xin đừng
quên nhắc nhở các em rằng truyền giáo là sứ mạng của mọi Kitô hữu; nhờ đó, ngay
từ thuở nhỏ và trong những điều kiện giới hạn của mình, các em có thể bắt đầu ý
thức bổn phận phải giới thiệu cho người khác biết về Chúa Giêsu, và cùng nhau
tin yêu Ngài, bước theo Ngài để được ơn cứu độ, được sống đời đời.
Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú