Bài số 13
LUYỆN NGỤC1
Các bạn GLV thân mến, chúng ta đang sống trong tháng 11, tháng cầu
nguyện cho các linh hồn. Việc cầu nguyện cho các linh hồn liên quan trực tiếp
đến đức tin Công giáo về Luyện ngục. Thật vậy, nếu không tin có Luyện ngục thì
việc cầu nguyện cho các linh hồn quả là điều vô ích: vì nếu những người chúng
ta cầu nguyện cho họ đã được Chúa cho hưởng phúc Thiên đàng thì các ngài không
cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nữa; ngược lại, giả như họ đã bị xuống Hỏa
ngục thì không có gì có thể giúp đảo ngược số phận của họ (X. Dụ ngôn người phú
hộ và Lazarô, Lc 16,19-31).
Tuy nhiên, có người cho rằng làm gì có Luyện ngục, vì hai từ này
đâu có trong Thánh Kinh. Đúng vậy, hai từ “luyện ngục” không có trong Thánh
Kinh, nhưng điều đó không có nghĩa là Thánh Kinh khẳng định không có Luyện
ngục. Một số danh từ (như “Ba Ngôi” hay “Nhập Thể”) đâu được tìm thấy trong
Thánh Kinh. Thế mà sự thật về những mầu nhiệm cao sâu này đã được bày tỏ một
cách rõ ràng trong đó. Cũng vậy, mặc dù hai từ “luyện ngục” không được tìm thấy
trong Thánh Kinh, nhưng Thánh Kinh, một cách gián tiếp, đã khẳng định về sự
hiện hữu của luyện ngục. Dưới đây là một số ví dụ:
Cựu Ước:
Trong Sách Macabê, ta thấy Ông Giuđa đã xin dâng lễ đền
tội cho những người lính đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội (X. 2 Mcb
12,38-45). Việc làm này biểu lộ niềm tin rằng những người đã chết đó đang ở
trong một tình trạng phải được thanh luyện nào đó. Và, chính điều này giả thiết
phải có Luyện ngục. Thật vậy, nếu họ đã ở trên Thiên đàng thì không cần phải
cầu nguyện cho họ nữa; ngược lại, nếu những người chết đó đã sa Hỏa ngục, thì
việc cầu nguyện cho họ là vô ích, vì một khi đã sa Hỏa ngục thì vô phương cứu
chữa.
Tân Ước
Chúa Giêsu phán: "Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương,
khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho
quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy
bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu
cuối cùng" (Mt. 5:25-26). Ở đây, ta cần chú ý tới cụm từ “ra khỏi
nơi đó” và cố gắng tìm ra câu trả lời hợp lý cho câu hỏi này. “Ra khỏi nơi
đó” là ra khỏi nơi nào? Chẳng lẽ là ra khỏi Thiên đàng? Không thể thế được, vì
Thiên đàng không phải là nơi ngục tù, và khi đã được vào Thiên đàng rồi thì
không bao giờ bị loại ra nữa. Liệu có thể hiểu "ra khỏi nơi đó" là ra
khỏi Hỏa ngục không? Cũng không thể thế được, vì ai đó đã bị vào Hỏa ngục rồi
thì làm gì có cơ hội được ra khỏi đó nữa, vì hỏa ngục là hình phạt đời đời (X.
Mt 25,4; TYGL 212). Vậy “ra khỏi nơi đó” chỉ có thể được hiểu là ra khỏi Luyện
ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.
Tương tự, trong một dịp khác, Chúa Giêsu phán: "Ai nói
phạm đến Con Người thì được tha thứ, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng
được tha, cả đời này lẫn đời sau"(Mt. 12:32). Ở đây, ta cần lưu ý tới
cụm từ “lẫn đời sau.” Theo Thánh Grêgôriô Cả, lời Chúa phán trên có thể
được hiểu là có những tội được tha ở đời này, và cũng có những tội được tha ở
đời sau (X. GLHTCG, 1031) Và, như đã nói ở trên, đời sau ở đây không thể hiểu
về Thiên đàng, vì nơi đó không cần sự tha thứ; cũng không thể hiểu về Hỏa ngục,
vì nơi đó không thể có sự tha thứ. Vậy “được tha thứ đời sau” chỉ có thể hiểu
về Luyện ngục.
Các Thánh Giáo Phụ:
Niềm tin về Luyện ngục đã được bày tỏ ngay từ những thế kỷ đầu của
Hội thánh. Chẳng hạn, Thánh Giáo phụ Clêmentê thành Alexandria (thế kỷ thứ 3)
dạy rằng: “Những người hối cải trên giường chết mà không có giờ làm việc đền
tội, thì họ sẽ được lửa thanh luyện trong đời sống mai sau”. Thánh Grêgôriô Cả
dạy: “Ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy một số lỗi lầm nhẹ trước ngày phán
xét chung.” Thánh Gioan Kim khẩu thì khuyên: “Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ
nhưng người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ” (X. GLHTCG, 1032) Và,
như chúng ta biết, Thánh Nữ Monica đã trăn trối cho con trai của người rằng:
“Dù chúng con ở đâu thì cũng hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa” (Thánh
Augustinô, sách Tự thuật). Lời trăn trối “hãy nhớ tới mẹ nơi bàn thờ Chúa” có
nghĩa là gì nếu không phải là đang bày tỏ niềm tin về Luyện ngục?
Huấn Quyền:
Giáo lý về Luyện ngục đã được định tín trong các Công đồng Lyon
(1245-1247), Công đồng Florence (1438-1445), nhất là Công đồng Trentô
(1545-1563): “Có Luyện ngục, và các linh hồn bị thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ
nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, nhất là bởi hy tế Thánh lễ”. Giáo lý
trên đã được tái khẳng định tại Công đồng Vaticano II và Sách Giáo Lý của Hội
Thánh Công Giáo 1992 (Xem các số 1030-1031;1054).
Kết luận:
Theo sách Khải Huyền: “Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai
làm điều gì ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào Nước Trời” (Kh.
21, 27). Vì thế, ngay cả những tội nhẹ nhất của con người cũng cần được thanh
tẩy trước khi có thể diện kiến Thiên Chúa trong Nước Trời. Do đó, sự hiện diện
của Luyện ngục thực sự cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu thanh luyện này. Hội
Thánh dạy: “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa,
nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì họ tuy chắc chắn sẽ được cứu độ muôn
đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần
thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (GLHTCG, 1030).
Như vậy, dựa trên nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền, và Giáo huấn
của Hội Thánh, chúng ta tin vững vàng rằng có Luyện ngục, và hãy luôn cầu
nguyện: “Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh
sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.”
Lm. An-rê Lương Vĩnh Phú
______________________________
1. Tham khảo từ:
http://www.catholic.com/tract/purgatory
http://chiendang.blogspot.com/2013/09/luyean-nguic-cuoac-thanh-taay-cuoai-cung.html